Buôn tài không bằng dài vốn?

00:00 12/10/2020

Nguồn vốn, cũng như bài toán gọi vốn sẽ có ý nghĩa thế nào với một doanh nghiệp phát triển quá nhanh, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp?

Buôn tài không bằng dài vốn?

Trong chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công số 17, chúng ta đã được nghe cuộc tranh biện sôi nổi giữa CEO và cổ đông sáng lập của một công ty khởi nghiệp trong ngành sản xuất và kinh doanh dầu lạc

Với chất lượng khác biệt, giá cạnh tranh, nên chỉ sau khi bước ra thị trường khoảng 6 tháng, sản phẩm Dalavi đã được đón nhận tích cực và bước đầu có lãi.

Dalavi lựa chọn giải pháp tập trung phát triển thị trường qua nhiều kênh phân phối, đặc biệt chấp nhận cả hình thức ký gửi qua đại lý. Tuy nhiên, sau 4 tháng thực hiện chính sách cho ký gửi, vốn đọng lại khá lớn, khiến công ty cạn vốn quay vòng.

Mặc dù đã tìm đủ mọi giải pháp nhưng vẫn không cân đối nổi dòng vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, CEO nhận thấy cần phải tăng vốn mới bảo đảm và duy trì được hoạt động kinh doanh của công ty và tăng hiệu quả cho phần ký gửi.

Thế nhưng, các cổ đông đều không đồng ý tăng vốn, thậm chí đề xuất dừng hẳn ký gửi để tránh những rủi ro về vốn. Họ muốn CEO chủ động tìm các nhà đầu tư khác để tham gia vào. Bởi với tầm vốn đã bỏ ra, họ ko muốn đổ thêm vốn vào nữa.

Đi tìm lời giải cho bài toán này, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể phát triển ổn định là sự góp mặt của bà Lê Ngọc Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Á Long.

Cùng 2 chuyên gia là ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin, Phó Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP. HCM; và bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM (YBA).

 

 Chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công chủ đề: "Khởi nghiệp – Bài toán gọi vốn"

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, bài toán mà doanh nghiệp đang gặp phải - cần được giải quyết theo 2 hướng. Thứ nhất, việc cạn vốn của Dalavi xuất phát từ hoạt động ký gửi qua đại lý. Hình thức này mặc dù giúp công ty tăng doanh số, nhưng lại dẫn tới tình trạng đọng vốn rất nhiều.

Do đó, Dalavi cần tham khảo, cũng như mở rộng thêm nhiều kênh phân phối khác nhau. Hình thức ký gửi là cách làm truyền thống, nhưng không hẳn đem về hiệu quả nhiều nhất. Dalavi muốn tiến xa cần cách làm mới và sáng tạo hơn.

Thứ hai là vấn đề nguồn vốn. Ông Kỳ cho rằng, không doanh nghiệp nào là không phải đi vay, hay huy động nguồn vốn. Việc vay mượn, hay tăng vốn mang ý nghĩa thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tăng doanh thu, tăng chất lượng sản phẩm.

Dalavi trong ngắn hạn có thể huy động vốn từ cổ đông, nhưng không nên bị phụ thuộc vào kênh huy động này. Bởi ngoài nguồn vốn trên, công ty có thể cân nhắc các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư, các ngân hàng, cũng như các đòn bẩy tài chính từ các vòng gọi vốn mới.

Còn theo bà Lê Ngọc Nguyên, CEO của công ty trước khi muốn giải quyết bài toán của doanh nghiệp mình, thì cần có cái nhìn rộng hơn về ngành mà đơn vị này đang tham gia, để xem Dalavi có thể tận dụng những nguồn lực, ưu đãi nào.

Khi đã nắm rõ về ngành, tới lúc này công ty khởi nghiệp có thể giải bài toán kênh phân phối, cũng như nguồn vốn bằng việc kết hợp với các đối tác tiềm năng. Ở đây, CEO nên nhìn nhận, kết hợp là mối quan hệ có lợi cho đôi bên, nghĩa là công ty vừa có lợi, và đối tác cũng có lợi theo.

Bà Nguyên cho rằng, bài toán mà Dalavi đang gặp phải cũng là chính là vấn đề của mọi doanh nghiệp trên con đường khởi nghiệp. Và đây là dấu hiệu cho thấy công ty đang làm ăn có hiệu quả.

Lời khuyên của chuyên gia này là CEO nên thận trọng với mọi quyết định, đồng thời luôn phải bình tĩnh. Tránh công ty khởi nghiệp rơi vào tình trạng tăng trưởng nóng, dễ mất kiểm soát và phát triển thiếu bền vững.

Theo Theleader