Bước lùi chống đôla hóa?

00:00 12/10/2020

Huy động và cho vay bằng ngoại tệ tăng mạnh, trong khi NHNN đề xuất bỏ quy định về thời hạn cho vay ngoại tệ thanh toán trong nước… Đó dường như là một bước lùi trong tiến trình chống đôla hóa?

Chiến lược phát triển ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán (M2) giảm xuống dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030, đồng thời tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

p/Cho vay bằng USD quy đổi tại các ngân hàng tính đến tháng 9/2018. Nguồn: BCTC quý II/2018 của các ngân hàng

Cho vay bằng USD quy đổi tại các ngân hàng tính đến tháng 9/2018. Nguồn: BCTC quý II/2018 của các ngân hàng

Tiền gửi ngoại tệ tăng mạnh

Mức độ đôla hoá của một quốc gia được đánh giá dựa vào tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/M2 hoặc tổng tiền gửi; tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/M2 hay tổng tín dụng. Theo tiêu chí đánh giá của IMF, một nước có tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/M2 lớn hơn 30% được coi là có mức độ đô la hóa cao. Việt Nam được IMF xếp vào nhóm nước đôla hóa không chính thức, có nghĩa USD được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế, mặc dù không được chính thức thừa nhận.

Trong năm qua, dường như mục tiêu chống đôla hóa đã ghi nhận một bước lùi khi mà tiền gửi ngoại tệ đang có xu hướng tăng nhanh. Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, huy động vốn ngoại tệ năm 2018 tăng tới 17%, cao gấp hơn 8 lần so với mức tăng 2,1% năm 2017.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, các con số trên cho thấy doanh nghiệp đang găm ngoại tệ. Nói cách khác, các doanh nghiệp bắt đầu không dùng ngoại tệ để kinh doanh nữa mà gửi ngân hàng. “Điều đó cho thấy các doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng trong việc giữ khả năng thanh toán ngoại tệ của mình, tỏ ra lo ngại việc tỷ giá hối đoái có thể tăng”, ông Nghĩa cho biết.

Kỳ vọng tỷ giá tăng cũng thúc đẩy người dân tăng cường nắm giữ ngoại tệ cho dù lãi suất tiền gửi USD đã được giảm về 0%. Số liệu thống kê về cán cân thanh toán tổng thể của NHNN Việt Nam cho thấy, khoản mục lỗi và sai sót (trong đó phần lớn do hoạt động găm giữ ngoại tệ) vẫn rất lớn, khoảng 2,36 tỷ USD trong quý 2/2018.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho biết, thực tế vẫn không ít người lựa chọn phương án gửi tiết kiệm bằng USD và chấp nhận lãi suất 0% bởi kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng. “Những người găm giữ USD không quan tâm nhiều đến sự chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi bằng USD và VND mà chủ yếu nhằm mua sự yên tâm và nuôi kỳ vọng tỷ giá USD tiếp tục tăng cao”, ông Hiếu phân tích.

Cần có lộ trình phù hợp

Không chỉ tiền gửi ngoại tệ, mà tín dụng ngoại tệ cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Trong báo cáo giải trình về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay ngoại tệ, NHNN cũng thừa nhận, tín dụng ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ có lợi hơn trong điều kiện lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND.

Theo quy định hiện hành, khi được giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho ngân hàng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay. Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng vẫn phải cân đối nguồn USD của mình để thực hiện hợp đồng tín dụng này bằng cách đi vay ngoại tệ từ các tổ chức hoặc cá nhân để cho doanh nghiệp vay lại, làm tăng nhu cầu về ngoại tệ, tăng tình trạng đôla hóa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/M2, tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng tăng mạnh trở lại, thì nhiều khả năng NHNN sẽ siết chặt hoạt động cho vay ngoại tệ, để rút ngắn lộ trình chống đô la hóa.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời gian giảm dần huy động, cho vay ngoại tệ và tiến đến việc chấm dứt cho vay ngoại tệ trong vòng khoảng 10 năm như đã đề ra tại Chiến lược phát triển ngân hàng là hợp lý. Còn thời điểm này, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ chưa thể thực hiện ngay, vì doanh nghiệp xuất khẩu cần vay ngoại tệ để giảm gánh nặng chi phí, gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang trên toàn cầu.

TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đồng tình với việc cần giảm sự phụ thuộc vào biến động của ngoại tệ và khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng VND. Tuy nhiên, do tỷ lệ đồng USD trong nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức thấp so với tỷ lệ xác định rơi vào “đô la hóa” theo tiêu chuẩn của IMF, nên cần tính toán tỷ lệ tối ưu để phù hợp với bối cảnh hội nhập mới của nền kinh tế Việt Nam.

Hà Anh