Bùng nổ cửa hàng tiện lợi: Nhà bán lẻ nội nỗ lực giành thị phần

00:00 12/10/2020

Vị trí thuận lợi, bám sát địa bàn dân cư cùng với đáp ứng xu hướng tiêu dùng nhanh đã giúp cửa hàng tiện lợi (CHTL) phát triển nhanh chóng. Trong khi các nhà bán lẻ ngoại đang chiếm thị phần lớn thì các nhà bán lẻ nội cũng có những chiến lược bứt phá riêng. 

Bán lẻ ngoại chiếm ưu thế

Bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, CHTL không phải là nhân tố mới xuất hiện của thị trường bán lẻ Việt Nam, khi cách đây chừng 1 thập niên, đã có những chuỗi CHTL nội địa ra đời. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, trào lưu này đã quay lại với những diện mạo và chiến lược bài bản hơn từ những thương hiệu quốc tế.

bung no cua hang tien loi nha ban le noi no luc gianh thi phan

Saigon Co.op nỗ lực phát triển thêm chuỗi cửa hàng tiện lợi Cheers

Chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Công Thương thành phố cho thấy, so với cuối năm 2017, số CHTL trên địa bàn đã tăng thêm 218 cửa hàng và đạt con số 1.100. Những cửa hàng này thuộc hơn 20 chuỗi như Bs Mart, GS 25, Co.op Food, Satra Foods, Shop & Go, Circle K, Family Mart… và đang là điểm mua sắm của nhiều người tiêu dùng (NTD).

Trên cả nước, chuỗi CHTL cũng đạt con số gần 2.000, song chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Dự kiến các chuỗi CHTL sẽ bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian tới với thị phần nghiêng về phía nhà bán lẻ ngoại. Chẳng hạn Family Mart (Nhật Bản) dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào năm 2020, còn 7-Eleven sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027)…

Chiến lược giành thị phần của nhà bán lẻ nội

Trước sức tấn công mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại, các nhà bán lẻ nội đang tích cực mở rộng chuỗi để tăng thị phần. Chẳng hạn Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020. Hay Satra đã mở thêm 58 cửa hàng, nâng lên 213 cửa hàng Satrafood tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Theo Satra, tuy đã có nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hệ thống này với phân khúc chuyên biệt vẫn chiếm cảm tình của NTD. Bình quân mỗi ngày Satrafood phục vụ hơn 58.000 lượt khách. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đang tích cực phát triển đa dạng các chuỗi CHTL để giành thị phần. Theo đó, bên cạnh chuỗi CHTL Co.op Food với hơn 200 cửa hàng, đơn vị này đang liên kết với các đối tác phát triển chuỗi cửa hàng Co.opSmile và CHTL Cheers để phục vụ NTD Việt.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op - cho biết, dù hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nhưng không vì thế mà đơn vị này yếu thế hơn nhà bán lẻ ngoại. Saigon Co.op đã liên tục bắt kịp xu thế bằng việc liên doanh, liên kết phát triển thêm cửa hàng, đáp ứng yêu cầu chất lượng và xu hướng mua sắm ngày càng thay đổi của khách hàng.

"Chúng tôi đã định hướng phát triển mạng lưới bằng việc từng bước áp dụng công nghệ hiện đại phù hợp cho từng mô hình bán lẻ. Trong định hướng 5 - 10 năm tới, Saigon Co.op sẽ áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, đồng thời sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, chiến lược sản phẩm hữu cơ..." - ông Đức chia sẻ.

Báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen về xu hướng mua hàng toàn cầu, người mua hàng Việt Nam đã giảm vào chợ truyền thống, thay vào đó họ đến các CHTL, siêu thị mini… thường xuyên hơn.

Dương Thảo