Bùn thải: thừa thu gom... thiếu xử lý

00:00 12/10/2020

Bùn thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi, Việt Nam chưa chú trọng đầu tư công nghệ cho việc xử lý triệt để các loại bùn thải từ sinh hoạt đến công nghiệp. Vấn đề này rất cần các cơ quan chức năng, các nhà quản lý quan tâm giải quyết nếu như không muốn hệ luỵ của nó ảnh hưởng tới môi sinh trong tương lai …

Bùn thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: MH
Bùn thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: MH
Chưa được xử lý triệt để Chi phí xử lý bùn thải cao, chiếm tới 50% chi phí vận hành của toàn hệ thống, nên hiện nay, bùn thải đang rơi vào hiện trạng thừa thu gom thiếu xử lý. Có 6 loại bùn thải thường phát sinh trong quá trình xử lý nước thải là: bùn thải trong hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đô thị, bùn thải từ hệ thống thoát nước thải công nghiệp, bùn thải từ các hoạt động nạo vét kênh rạch định kỳ, bùn thải từ bể tự hoại (bùn hầm cầu), bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước cấp, bùn thải từ các công trình xây dựng. Tuy vậy, không phải tất cả các bùn thải này đều được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Theo Sở TN&MT TP. HCM, trong các loại bùn thải kể trên, trừ bùn hầm cầu nhà vệ sinh được xử lý và sử dụng làm phân bón, các loại bùn thải khác chỉ được xử lý sơ bộ hoặc không xử lý và đổ trực tiếp vào các bãi chôn lấp, hoặc… không rõ "đi đâu, về đâu"! Ở các trạm xử lý nước thải khu công nghiệp chế xuất, bùn thải thường được xử lý cụ thể là bùn đã được ép hoặc phơi khô và sau đó, bón trực tiếp cho cây xanh trong phạm vi KCN (KCN Lê Minh Xuân); được ủ tại chỗ làm phân compost (KCN Vĩnh Lộc); bán cho cơ sở làm phân vi sinh (KCN Tân Tạo), hoặc giao cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý (KCN Bình Chiểu, KCN Tân Bình, KCX Tân Thuận). Bùn thải phát sinh ngày càng nhiều và trở thành một gánh nặng cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý. Theo thống kê của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày, TP phát sinh khoảng 5.000 - 6.000 tấn/ngày. Trong đó, bùn thải từ hệ thống cống rãnh 450.000 - 700.000 tấn/năm, bùn thải kênh rạch 2 - 3 triệu m³/năm; bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt từ 30 - 40 tấn/ngày (dự kiến tăng lên 500 tấn/ngày)… Nhưng khảo sát thực tế của Công ty Shiny Việt Nam cho thấy, các biện pháp xử lý bùn thải hiện nay là chưa triệt để, chưa đảm bảo an toàn về yếu tố môi trường và không đáp ứng được khối lượng bùn thải ngày một lớn. Mặt khác, hiện, chưa có một khu xử lý bùn thải nào hoạt động một cách đúng nghĩa. Tìm kiếm công nghệ Để xử lý bùn thải TP. HCM đã quan tâm tìm kiếm công nghệ và tập hợp các nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhiều đề tài như: “Nghiên cứu xử lý bùn thải (XLBT) công nghiệp”, “Nghiên cứu đề xuất công nghệ xử lý, tận dụng bùn thải và nước tách bùn từ các nhà máy cấp nước của TP. HCM, “Ðề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý bùn nạo vét cống rãnh và kênh rạch ở TP. HCM”,  “Nghiên cứu các giải pháp công nghệ và quản lý bùn thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn TP. HCM”, “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổng hợp xử lý bùn ao nuôi tôm ở huyện Cần Giờ”,… Ngoài ra, còn một số đề tài khác đang thực hiện như  “Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bùn thải Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng bằng mô hình đống ủ thông khí cưỡng bức có phối trộn vật liệu hữu cơ”, “Nghiên cứu sản xuất các loại phân hữu cơ từ nguồn nguyên liệu chất thải hầm cầu sau xử lý phục vụ nông nghiệp”… Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công phương án tái sử dụng bùn thải từ hệ thống xử lý nước, nước thải và xỉ thải. Đối với bùn sinh học từ trạm xử lý chất thải đô thị, khu, cụm công nghiệp tập trung có hàm lượng hữu cơ cao, dinh dưỡng phù hợp cho sản xuất phân compost. Đối với bùn từ nhà máy nước cấp, có hàm lượng vô cơ cao (đất sét) chủ yếu từ quá tình xử lý hóa lý, có bùn hữu cơ tương đối cao >10%. Do đó, cần phải tái chế thành gạch nung. Kết quả cho thấy bùn nước cấp thay thế đất sét lên đến 40%, cường độ chịu nén sau 28 ngày là 21,1 Mpa, độ hút nước 7,5% đạt TCVN 1450:2009. Ngoài ra, xỉ than đá cho mẫu gạch Block có cường độ chịu nén cao, do xỉ than có thành phần tương tự như xi măng… Dựa trên những kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả cũng đã đưa ra 2 hướng dẫn kỹ thuật tái chế bùn sinh học thành phần compost, tái chế tro, xỉ, bùn vô cơ thành vật liệu xây dựng không nung và tái chế bùn nước cấp thành gạch nung. Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc thực hiện các công nghệ  hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc cần giải quyết. Bởi lẽ công nghệ XLBT hiện là hiếu khí trong các nhà xưởng hở nên việc kiểm soát mùi rất khó khăn.
Theo các chuyên gia, công nghệ XLBT nên theo thứ tự ưu tiên từ công nghệ đơn giản nhất và theo hướng tái chế. Hai giải pháp khả thi về XLBT tại TP. Hồ Chí Minh là chôn lấp hợp vệ sinh đối với bùn thô và tái sử dụng trong nông, lâm nghiệp. Trong đó, tái sử dụng là giải pháp được khuyến khích bởi nhiều loại bùn thải có thể sản xuất thành phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.
Theo baotainguyenmoitruong.vn