Bộ trường Trần Hồng Hà: Nhiều bãi thải là nguy cơ lớn với người dân

00:00 12/10/2020

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chiều 15-11, nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng về vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xả thải chưa qua xử lý.

Bộ trường Trần Hồng Hà: Nhiều bãi thải là nguy cơ lớn với người dân
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà
Từ 14g30 đến 17g chiều 15-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà. Các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung chất vấn bộ trưởng Bộ TN-MT về các nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; Việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Ngoài Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng như: Bộ NN&PTNT; Công an; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch..sẽ trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Nóng với ô nhiễm môi trường

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu: "Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vì rác thải công nghiệp, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, với trách nhiệm của mình, bộ trưởng làm gì để khắc phục?" Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đặt câu hỏi: Ô nhiễm các làng nghề, cụm công nghiệp vẫn chưa được khắc phục, một số nơi tình trạng này gia tăng, đáng báo động. Bộ trưởng làm gì để khắc phục? Trả lời về những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trường Trần Hồng Hà cho biết ngoại thành, nông thôn đang chịu tác động lớn nhất của đô thị hóa. Tôi đồng tình với đánh giá thực trạng này. Nhiều người cho rằng nông thôn là an bình, nhưng hoạt động kinh tế lại sôi động. Ở nông thôn, vấn đề làng nghề, cụm công nghiệp đan xen với nhà dân, công tác quy hoạch không tốt, chỉ 5% có xử lý nước sạch. Tôi thừa nhận quản lý môi trường nông thôn dù Bộ quản lý chung, nhưng từng phần lại giao các bộ, ngành khác nhau nên có quy định chưa rõ. Đây là thực trạng chúng tôi đã nhìn thấy. Các bộ: TN-MT, Xây dựng, NN&PTNT cần khẩn trương đưa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm đến thiết bị thu gom rác, xử lý vấn đề rác nông thôn. Nếu mỗi địa phương, mỗi huyện không có quy hoạch xử lý chất thải thì đây là vấn đề rất lớn. Tại sao nông thôn vẫn còn bãi rác không hợp vệ sinh, ở đây có trách nhiệm của trung ương là Bộ TN-MT và cũng có trách nhiệm của Bộ xây dựng. Phải tính toán, quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại ở nông thôn. Phải xác định môi trường nông thôn là tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Khi xảy ra ô nhiễm, không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Luật bảo vệ môi trường đề cao người dân giám sát bảo vệ môi trường nhưng người dân lại không có thông tin, vậy Bộ trưởng sẽ làm thế nào? Cho rằng đây là câu hỏi hay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích khi xảy ra vụ việc nào đều gắn trách nhiệm người đứng đầu. Ở đây phần phân định giữa trung ương và địa phương chưa rõ ràng. "Tôi cho rằng phải xác định được trách nhiệm cụ thể ở mỗi cấp. Phê duyệt môi rường thì ở trung ương, còn cấp phép thì ở từng cấp khác nhau. Tôi muốn nhấn mạnh, các cơ quan trung ương cũng không đảm đương được vấn đề môi trường ở địa phương. Vì thế tới đây nên phân cấp cho địa phương. Từ đó để đầu tư con người, bộ máy" - Bộ trường Trần Hồng Hà nói.

Theo dõi 24/24 việc xả thải của Formosa Quan tâm đến vấn đề Formosa, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Cử tri Quảng Binh đánh giá cao giải pháp của Quốc hội, Chính phủ về khắc phục hậu quả do Formosa gây ra. Tuy nhiên, cử tri thiếu niềm tin, băn khoăn cho cả thế hệ hiện tại và tương lai về Formosa. Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ sẽ làm gì để Formosa không gây ô nhiễm môi trường? Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: việc đền bù mới đến 7 đối tượng và chỉ trong 6 tháng. Còn sót một số đối tượng nên gây thắc mắc, khiếu kiện. Vậy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ giải quyết vấn đề tồn đọng này ra sao? Trả lời câu hỏi của đại biểu đến từ Quảng Bình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói chúng ta đã dồn hết sức để giải quyết. Riêng Formosa, Bộ Tài nguyên - Môi trường hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau khi chỉ ra nguyên nhân, nguồn gây ô nhiễm thì chúng ta xác định 3 nhóm: rác thải, khí thải và chất thải rắn. Bộ Tài nguyên - Môi trường lập hội đồng liên ngành các nhà khoa học trong cả nước để xem xét, đánh giá kế hoạch, yêu cầu doanh nghiệp phải có lộ trình xử lý hợp lý. Trong quá trình Formosa giải quyết, Bộ TN-MT có một ban giám sát, theo dõi 24/24 về khí thải, rác thải, chất thải rắn của Formosa. Bộ cũng yêu cầu phải tuân thủ các điều kiện, nếu Việt Nam chưa có thì theo tiêu chuẩn quốc tế. "Chúng tôi yêu cầu các công đoạn sản xuất đều phải được xem xét, xử lý. Nếu xảy ra sự cố phải có phương án, có hồ để xử lý sự cố. Việc theo dõi được cập nhật và gửi thẳng số liệu về Sở TN-MT Hà Tĩnh để chuyển về Bộ. Nước trong công nghệ dập cốc được theo dõi và gắn thiết bị theo dõi nghiêm ngặt như ở Hàn Quốc. Nước thải qua hồ xử lý sinh học, và hồ sinh học này chúng tôi yêu cầu phải thả cá để đảm bảo nước thải ra môi trường phải an toàn" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Formosa hứa đảm bảo duy trì lâu dài bền vững không để xảy ra sự cố như vừa qua. Bộ TN-MT cũng xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển, khí thải từ các địa phương này. Chất thải rắn và bùn thải nguy hại, nếu Formosa chưa ký hợp đồng với các doanh nghiệp để xử lý thì phải để lưu trong kho. Chúng tôi cũng làm việc với Hà Tĩnh để tìm hướng đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp. Chúng tôi cũng yêu cầu Formosa tìm hướng chuyển các chất thải này để nghiên cứu làm phụ gia xây dựng. Sẽ sớm xây dựng quy chế xử lý chất thải công nghiệp để sản xuất phụ gia xây dựng. Hiện nay Formosa cũng mời nhiều chuyên gia, đơn vị tư vấn quốc tế để tham vấn dài hạn, để chuyển từ dập cốc ướt sang cốc khô. Với hệ thống xả thải thì cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn ISO 14.000 để thời gian tới Formosa giảm ô nhiễm. Về phương án đền bù sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT trả lời bằng văn bản.

 Trên 50% doanh nghiệp không tuân thủ quy định bãi thải

Trả lời đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) về việc nhiều bãi thải khai thác khoáng sản bị sạt lở gây sự cố nghiêm trọng. Có hay không có sự vi phạm pháp luật của các cơ sở này. Các bãi rác thải ở nông thôn không che chắn là những hinh ảnh dễ thấy ở làng quê, Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này? Bộ trưởng Trần Hồng Hà sau khi chưa bám sát trọng tâm câu hỏi của các đại biểu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở đã quay trở về với nội dung câu hỏi này. Ông nói về khai thác khoáng sản, các bãi thải, tôi cho rằng đại biểu nêu thực tế rất đúng. Có nhiều bãi thải là nguy cơ lớn đối với an toàn của người dân. Trách nhiệm thuộc về Bộ TN&MT trong phê duyệt các giấy phép vì liên quan đến công nghệ, tác động môi trường, xử lý chất thải. Chất thải xây dựng liên quan Bộ Công thương và các địa phương. "Trên thực tế, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện quy định về triển khai các phương án, vận hành bãi thải. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy trên 50% doanh nghiệp không tuân thủ quy định" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Bộ trưởng Hà cho rằng cần xem xét lại nhiều bãi thải, vì độ cao, thiên tai, thời tiết . Đây là vấn đề Bộ TN-MT, Bộ Công thương, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại các bãi rác thải này. Vẫn theo ông Trần Hồng Hà, việc khai thác than để lại bãi thải rất lớn, cần nguồn lực rất lớn để giải quyết. Bên cạnh xem xét công nghệ thì cần nguồn vốn để giải quyết. Vị tư lệnh ngành Tài nguyên - Môi trường cũng cho rằng “khi phê duyệt cấp phép khai thác mỏ, ta chưa tính toán đến việc này, mới chỉ tính toán trên ý tưởng nên không đủ chi phí để hoàn thổ môi trường”. (Theo tuoitre.vn)