Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cán bộ nhũng nhiễu dân khi làm sổ đỏ sẽ bị xử lý nghiêm

00:00 12/10/2020

Bộ trưởng Bộ TN& MT Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1014/QĐ - BTNMT về việc thành lập Tổ công tác giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thành lập 3 tổ giải quyết công tác đất đai

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ TN & MT, Tổ công tác được chia làm 3 tổ: Tổ thứ nhất do Lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường làm Trưởng đoàn; Tổ thứ hai do Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên & Môi trường) làm Tổ trưởng và Tổ thứ ba do Lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) làm Tổ trưởng. Tổ thứ ba sẽ thực hiện thanh tra trên địa bàn các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An và Bình Dương.

Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ: “Nắm bắt tình hình thực hiện công tác đất đai tại các địa phương, ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp; phối hợp với các địa phương giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận; Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức trong việc cấp giấy chứng nhận; phát hiện những khó khăn, vướng mắc để báo cáo và đề xuất với Bộ trưởng các giải pháp tháo gỡ trong việc cấp giấy chứng nhận cho các địa phương; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền; Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ: “Trong quá trình làm việc, các tổ công tác phải có sự phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy Đảng, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình giải quyết các vướng mắc, đòi hỏi chính đáng của nhân dân; tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về đất đai”.

Các thành viên Tổ công tác đặc biệt phải am hiểu lĩnh vực đất đai và các lĩnh vực liên quan đến đất đai như: Quản lý quy hoạch, quản lý nhà ở. Khi đến làm việc với các tỉnh, thành phố, phải có sự tham gia của Sở Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai các địa phương đó.

Các thành viên Tổ công tác ngoài việc làm việc trực tiếp với cơ quan cấp giấy chứng nhận để nắm bắt những thông tin dựa trên báo cáo, sổ sách còn cần phải tiếp xúc, làm việc trực tiếp với người dân, những người đang có nhu cầu, hoặc đang làm “sổ đỏ”.

Đoàn có trách nhiệm cấp sổ đỏ cho nhân dân để đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân vì cấp sổ đỏ là quyền sở hữu đất đai và nhà ở cũng như đảm bảo các quyền lợi khác của người dân.

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và tài sản gắn liền trên đất là đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận chính là phục vụ công tác quản lý đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng doanh nghiệp, hoặc người dân đang sử dụng đất mà không được cấp Giấy chứng nhận. Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu làm triệt để không để cho người dân nào sinh sống mà không được quyền sở hữu về đất đai, nhà ở.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Thứ nhất, phải làm rõ đâu là những vấn đề nhũng nhiễu của đội ngũ công chức, viên chức đang làm việc trong lĩnh vực này. Thứ hai, cần làm rõ đâu là nguyên nhân đến từ cơ chế, chính sách liên quan đến những văn bản quy phạm pháp luật, những thủ tục hành chính khiến tình trạng khó khăn trong cấp giấy chứng nhận. Từ đó, nếu xác định nguyên nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu là do cán bộ công chức, viên chức thì xử lý ngay những cá nhân đó. Nếu xác định nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách thì kiên quyết thay đổi cho phù hợp”.

Rà soát, kiểm tra, công khai kết quả cho dân biết các nguồn xả thải ra sông, biển

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát lại tất cả các dự án có nguồn chất thải lớn và lượng xả nước thải lớn, đặc biệt là các nguồn thải có liên quan đến nguồn nước (sông và biển). Cụ thể là phải lập trạm quan trắc chất lượng nước thải, chất thải một cách thường xuyên đối với các nhà máy đang xả thải lớn môi trường biển, môi trường sông cho đến khi những tồn tại liên quan đến sự cố môi trường được xác định và đảm bảo các nguồn thải của các doanh nghiệp đóng trên khu vực này trước khi xả ra môi trường phải được kiểm soát, công khai, thuận tiện cho hoạt động giám sát thường xuyên”.

Cùng với đó, sẽ có kế hoạch thanh tra trên diện rộng chuyên đề về môi trường để chủ động phòng tránh các sự cố về ô nhiễm môi trường nguồn nước, ô nhiễm môi trường biển, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đô thị và môi trường nông thôn, có biện pháp hữu hiệu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.

“Việc thanh tra, kiểm tra phải tiến hành toàn diện, bài bản từ việc thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, đến việc xây dựng các trạm xử lý nước thải rác thải ra sao và công tác vận hành, giám sát môi trường đối với các trạm này như thế nào. Kết quả kiểm tra cần phải được thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân được biết”. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Sau khi có kết quả kiểm tra, thanh tra phải kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây ô nhiễm môi trường, từ việc xử lý nghiêm các vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động và các biện pháp bắt buộc khác để khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật nếu cố tình vi phạm sẽ đề nghị truy tố theo những quy định của pháp luật.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Về các giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược cần giải quyết “tận gốc” các vấn đề về môi trường nhằm bảo đảo cho người dân có một cuộc sống trong lành, an toàn. Cụ thể là việc phải khẩn trương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh bổ sung các chính sách về quản lý môi trường như tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường tiếp cận với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế; xã hội hóa tài chính trong công tác quản lý môi trường, hình thành nghành dịch vụ về môi trường, công cụ kinh tế môi trường như người gây ô nhiễm phải chi trả phí môi trường thật cao để khuyến cáo các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất không gây ô nhiễm”.

Bài và ảnh: Bình An (Văn phòng Đại diện phía Nam)