Bộ Tài chính “siết” thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

 Tại cuộc họp báo chuyên đề về “Một số quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp” chiều nay (29/6), ông Đặng Quyết Tiến, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Nhiều điểm sáng Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Nhằm phù hợp điều kiện thực tiễn, quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác, Bộ Tài chính đã chủ trì, xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp với các nội dung sửa đổi, bổ sung như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại doanh nghiệp khác; Sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác; Sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác… Điểm đáng chú ý trong Dự thảo lần này là “Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước”. Theo ông Tiến, mục tiêu là để tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại doanh nghiệp và điều chỉnh tăng vốn điều lệ.
Điểm sáng trong Dự thảo lần này là “Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước” – được rút ra từ lùm xùm các ngân hàng chậm trả cổ tức cho phần vốn nhà nước góp tại các ngân hàng. (Ảnh minh hoạ)
Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung tại dự thảo Nghị định quy định: Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. “Việc bổ sung quy định này là rút ra từ lùm xùm các ngân hàng chậm trả cổ tức cho phần vốn nhà nước góp tại các ngân hàng”, ông Tiến cho biết. Theo đó, trong năm 2016, Bộ Tài chính nhiều lần có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước. Hiện phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95%. Sau nhiều lần thương thảo, phải đến đầu năm 2017, VietinBank mới chốt lại được phương án trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015, với tỷ lệ 7%. Trong khi, BIDV giữ nguyên mức chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 8,5%. Về nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại doanh nghiệp khác, ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp theo giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành; không thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần,vốn góp của Nhà nước quy định tại Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. Việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại công ty cổ phần không phải là chào bán thêm cổ phần ra công chúng và không áp dụng quy định về điều kiện chào bán, đăng ký chào bán chứng khoán (cổ phiếu) đối với công ty đại chúng. “Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết những tồn tại vướng mắc, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình thực hiện chuyển nhượng vốn nước theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành”, ông Tiến nhấn mạnh. CPH chậm do lãnh đạo chây ì Ông Tiến cho biết, tính đến đến thời điểm 15/6/2017, CPH DNNN được 19 DN, tiến độ CPH năm nay chậm hơn so với năm 2016. Việc chậm CPH DNNN một phần do tư tưởng ỷ lại chần chừ, chưa quyết liệt của các lãnh đạo DNNN. Việc thiếu minh bạch thông tin là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến DN khó thu hút được nhà đầu tư tiềm năng. Các nhà đầu tư thường e ngại khi các thông tin liên quan đến hoạt động, đến tài chính DN không công khai, không trung thực đó là những nguyên nhân dẫn việc đến việc chậm CPH DNNN. Một số DNNN lớn đang bị chậm tiến độ CPH hay IPO so với kế hoạch đăng ký được liệt kê như các công ty con thuộc TCT Điện lực hay Tập đoàn Cao su, TCT Lương thực miền Nam. Ông Tiến cũng nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và tránh thất thoát vốn và tài sản của doanh nghiệp chỉ xảy ra mâu thuẫn khi không có sự công khai minh bạch trong CPH DNNN. Với những điểm đổi mới cơ bản tại Dự thảo Nghị định sẽ ngăn chặn việc thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. (Theo Bảo Quyên - Congluan.vn)