Bộ Kế hoạch và Đầu tư “điểm danh” 3 thông tư gây khó doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Nhận định trong quí 1-2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhắc tới 3 thông tư gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021.

Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong qúi 1 năm 2019, nhiệm vụ này chưa có thêm chuyển biến nào được ghi nhận.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chưa có văn bản mới về quản lý, kiểm tra chuyên ngành được ban hành trong qúi 1 năm 2019, nhưng có một số văn bản có hiệu lực thi hành từ 2019. Có 3 thông tư gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được Bộ KH&ĐT nhắc đến.

Theo đó, Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyte và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 01/01/2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong kiểm tra formaldehyte. Trong đó, yêu cầu áp dụng kiểm tra hợp qui theo lô không những không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà thậm chí còn gây tốn kém hơn nhiều so với trước (vì vừa mất thời gian và chi phí kiểm tra theo lô như trước đây, vừa tốn kém thời gian và chi phí cho việc dán tem QR).

Còn hai thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.) được ban hành ngày 25/12/2018, nhưng có hiệu lực kể từ ngày 10/2/2019 đã có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực kiểm dịch.

Với việc ban hành hai thông tư này, một số cải cách về kiểm dịch đã được thực hiện như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng. Tuy nhiên, ngay sau khi văn bản có hiệu lực, doanh nghiệp đã gặp vướng mắc do một số qui định thiếu rõ ràng, dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, và do đó dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tại cảng.

Về kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong qúi 1 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 02 thủ tục hành chính chính thức kết nối dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, Bộ đang rà soát, công khai toàn bộ giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu còn hiệu lực lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và cung cấp cho Tổng cục Hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp.

“Có thể nói quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, việc chậm trễ trong thực hiện cải cách công tác này sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí và thời gian, làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và đi ngược với các cam kết mà nước ta đã tham gia trong các Hiệp định thương mại tự do”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

T.H