BIDV, VietinBank phải “rút túi” trả cổ tức tiền mặt?

00:00 12/10/2020

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) BIDV đã biểu quyết thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi ĐHCĐ VietinBank quyết định không chia cổ tức.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đã lên tiếng yêu cầu 2 ngân hàng (NH) này phải trả cổ tức bằng tiền mặt.
Ngân hàng muốn dành lợi nhuận để tăng vốn
Cuối tháng 4/2016, ĐHCĐ thường niên năm 2016 của BIDV và VietinBank đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối (99,99 - 100%) của cổ đông về nội dung chia cổ tức năm 2015. Trong đó, BIDV sẽ chia cổ tức 8,5% bằng cổ phiếu, còn VietinBank không chia cổ tức vì các điều khoản ràng buộc của hợp đồng sáp nhập ký với PGBank.
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Vấn đề tưởng đã xong. Nhưng mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi NH Nhà nước (NHNN) đề nghị can thiệp để thu cổ tức năm 2015 tại BIDV và VietinBank bằng tiền mặt. Công văn do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký nêu rõ, theo Nghị định 57/2012/NĐ-CP của Chính phủ, với các NH Thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn Nhà nước tại NH này phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận. Trong khi hiện phần vốn Nhà nước tại BIDV trên 95%, tại VietinBank là 64,46% nhưng 2 NH này chưa thực hiện hỏi ý kiến Bộ Tài chính trước khi thông qua phương án chia cổ tức.
Tại BIDV, lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi lỗ lũy kế của MHB (khoảng 5.842 tỷ đồng), tỷ lệ cổ tức được biểu quyết thông qua là 8,5% bằng cổ phiếu, tương ứng 2.905 tỷ đồng. Với 95% vốn Nhà nước, phần cổ tức của Nhà nước mà NH này phải trả sẽ là hơn 2.759 tỷ đồng. Còn tại VietinBank, vốn Nhà nước chiếm gần 65% vốn điều lệ. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của VietinBank là hơn 5.698 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản trích lập quỹ, thù lao, còn lại 3.660 tỷ đồng, nếu chia cổ tức 8,5% (như BIDV) thì Nhà nước sẽ thu về khoảng 2.040 tỷ đồng. Như vậy, với khoản cổ tức khủng này, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận và được cổ đông thông qua, ngân sách Nhà nước sẽ có thêm gần 5.000 tỷ đồng.
Về phía các NH, lý do “thất hứa” trả cổ tức tiền mặt được giải thích là để tăng vốn, tăng tiềm lực. Tại ĐHCĐ 2016, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ giải thích, năm 2015, NH không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank. Đồng thời, việc tăng vốn này nhằm đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế.
Trước thông tin Bộ Tài chính “đòi” thu cổ tức, ông Thọ cho hay, VietinBank đang đề xuất xem xét việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn như ĐHCĐ đã thông qua. Đồng thời, VietinBank tiếp tục giải trình với Bộ Tài chính và NHNN về vấn đề này. Còn với BIDV, theo Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà, NH này vẫn kiên trì thuyết phục Chính phủ để lại lợi nhuận dành tăng vốn NH vì cần “nuôi dưỡng nguồn thu”.
Ai “chốt” cổ tức?
Hiện, công tác quản lý vốn Nhà nước tại các DN Nhà nước vẫn trên tinh thần các bộ phối hợp với nhau. Nếu các bộ, ngành phối hợp có ý kiến khác thì phương án cổ tức sẽ phải xin ý kiến Thủ tướng về mặt chủ trương. Như vậy, nếu Thủ tướng đồng ý chủ trương trả cổ tức bằng tiền mặt, phương án này sẽ được đưa ra lấy ý kiến cổ đông.
Theo Luật DN, đối với các DN đã cổ phần hóa, quyền định đoạt cao nhất thuộc về ĐHCĐ. Hiện, ĐHCĐ của 2 NH này đã thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính và NHNN vẫn chưa thống nhất quan điểm cuối cùng về vấn đề cổ tức. Nếu Thủ tướng có ý kiến đồng ý với Bộ Tài chính, 2 NH này sẽ phải tiến hành lấy ý kiến cổ đông lại nội dung về cổ tức (bằng cách triệu tập ĐHCĐ bất thường hoặc bằng văn bản).
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc Bộ Tài chính “đòi” BIDV và VietinBank trả cố tức bằng tiền mặt có thể coi là động tác muốn kiểm nghiệm năng lực của NH: “Trước đây, có thể NH hứa trả cổ tức bằng hình thức này, hình thức khác. Bây giờ, nếu NH lãi thật, Bộ Tài chính yêu cầu trả bằng tiền mặt cũng là việc bình thường. Việc làm này không tác động lớn đến nền kinh tế nhưng lập tức ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NH”.
Theo các chuyên gia, với những lĩnh vực không quá nhạy cảm, không ảnh hưởng nhiều đến an ninh quốc phòng, Nhà nước cần đẩy mạnh thoái vốn và tăng quyền tự quyết cho DN.
Đinh Nguyễn/Linhtedothi.vn