“Bí quyết” ở Ô Môn

00:00 12/10/2020

Tích cực liên kết với doanh nghiệp; dạy nghề theo nhu cầu thực tế là cách làm đã và đang giúp công tác giải quyết việc làm tại quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) đơm hoa, kết trái.

400 thợ lành nghề

Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, từ đầu năm 2018 đến nay, 550 lao động trên địa bàn quận tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định. Trong đó, 239 lao động làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ. Số lao động còn lại làm việc ở cơ sở, doanh nghiệp thuộc những tỉnh, thành phố lân cận. Phát huy hiệu quả nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, phòng LĐ-TB&XH quận giúp đỡ 8 lao động tự tạo việc làm với tổng số vốn vay lên đến hơn 200 triệu đồng. Tính lũy kế từ đầu năm, nguồn quỹ trên hỗ trợ 479 dự án việc làm vay vốn. Từ đó, 538 lao động có công việc ổn định khi tham gia những dự án việc làm trên.

Học viên lớp đan giỏ gia công thành thạo nhiều loại giỏ

Đặc biệt, đối với công tác quản lý và đào tạo nghề, quận Ô Môn ráo riết triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, phòng LĐ-XH&XH quận tổ chức thành công 10 lớp đào tạo nghề với sự tham gia của gần 400 học viên. Tất cả mô hình dạy nghề đều gắn với tình hình sản xuất, việc làm tại từng khu dân cư. Điển hình, mô hình tại cơ sở may Diễm Hà (phường Châu Văn Liêm), Công ty may Phước Thới (phường Bình Thuỷ)… ngày càng trở thành điểm đến tin cậy của nhiều lao động trên địa bàn. Đặc biệt, thời gian qua, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn phối hợp với các UBND phường, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quận mở rộng, phát triển thêm một số mô hình mới.

Ông Trương Văn Phúc - Trưởng phòng, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, đánh giá trong 9 tháng, công tác giải quyết việc làm tại địa bàn đạt gần 80% kế hoạch cơ quan chức năng đề ra. Đây là thành quả thu về từ “bí quyết” dạy nghề theo nhu cầu thực tế kết hợp song song liên kết với doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo. Kết quả trên là tiền đề cho những bước đổi mới tiếp theo trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại quận Ô Môn. Trên cơ sở này, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn tiếp tục phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh nhiều chương trình tín dụng ưu đãi tạo việc làm. Các ban, ngành địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND quận xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn 3 tháng cuối năm. Cùng đó, quận Ô Môn ráo riết khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề, nhất là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Dự trên kết quả khảo sát, quận khai giảng thêm nhiều lớp dạy nghề phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của lao động, doanh nghiệp tại địa phương. Cơ quan chức năng tích cực liên kết với công ty, xí nghiệp với mục đích đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu tuyển dụng.

Điểm sáng mới - lớp nghề đan giỏ

Một trong những mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp nổi bật ở quận Ô Môn là lớp dạy nghề đan giỏ bằng dây nhựa. Lớp học nghề thu hút đông đảo đồng bào Khơ Me tham gia.

Năm 2018, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn hợp tác cùng Công ty TNHH SX – TM Thiên Minh (chuyên gia công, kinh doanh các loại giỏ xách thủ công) mở lớp đào tạo nghề miễn phí với sự tham gia của 35 nông dân trên địa bàn. Địa phương chọn nhà bà Dương Thị Xa Pha (59 tuổi) làm địa điểm tổ chức dạy lý thuyết và thực hành. Kết thúc khóa học, giảng viên tổ chức thi và chấm thi nghiêm túc. Những học viên làm ra sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chí đẹp, bền sẽ nhận chứng chỉ tốt nghiệp. Một khi thợ học lành nghề, Công ty Thiên Minh trực tiếp cung cấp vật liệu, đặt hàng từng gia đình. Vì có việc làm đều đặn nên học viên không cần lo lắng “lụi” nghề sau khi tốt nghiệp.

Khách hàng đến nhà bà Dương Thị Xa Pha chọn mua giỏ đan bằng dây nhựa

Tại nhà bà Dương Thị Xa Pha, nhiều loại giỏ với đủ kiểu dáng, kích cỡ làm từ dây nhựa chất đống từ nhà bếp ra đến phòng khách. Bà Pha cho hay đây là những sản phẩm do 35 học viên trong lớp học nghề tạo ra. Hầu như ngày nào cũng có khách ghé qua nhà mua hàng lẻ. Mỗi cái giỏ có giá khoảng 80.000 đồng. Trong khi, tiền vốn bỏ ra chưa đến 50.000 đồng/giỏ. Trung bình một ngày, một lao động có thể hoàn tất một sản phẩm có kích cỡ lớn. Rất nhiều gia đình Khơ Me đến đây vừa học vừa làm. Riêng gia đình bà Pha đã có 6 người đăng kí tham gia lớp học nghề.

Chị Lý Thị Ngọc Em (27 tuổi, học viên lớp nghề) bộc bạch đan giỏ là nghề phù hợp với tính cách chăm chỉ, kiên nhẫn của người nông dân miền Tây Nam Bộ. Người thợ có thể đan thành thạo những loại giỏ cỡ lớn sau 10 ngày tập trung học nghề.

Khoá học chưa bế giảng nhưng khách mua hàng đã nườm nượp tìm đến tận nơi xem, mua hoặc đặt hàng.

Đức Mạnh