Bị đòi loại giấy 'lạ', doanh nghiệp thiệt hại lớn

00:00 12/10/2020

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, cơ quan quản lý đòi doanh nghiệp nhập khẩu cá phải cung cấp chứng thư kiểm dịch, loại giấy mà thông lệ quốc tế chưa bao giờ có.

Ảnh minh họa

Nhiều câu chuyện khiến doanh nghiệp bức xúc đã được các doanh nghiệp phản ánh tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ về cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh ngày 17/10.

Góp ý về các điều kiện kinh doanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định Bộ có những chuyển biến trong rà soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, song ông cho biết hai tháng qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản khá bức xúc liên quan tới việc ghi nhãn hàng hóa. 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, trên thế giới hiện có ba công ty lớn khai thác cá đại dương, đăng ký với các tổ chức quốc tế kiểm soát. Các công ty này có văn phòng đại diện ở 10-15 quốc gia, có đội tàu lớn. Doanh nghiệp thủy sản nhập nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, lượng tiêu thụ trong nước chưa tới 10%. Nhập khẩu cá dưới hai hình thức: Tàu trung chuyển thu gom của ba công ty, lấy cá từ các tàu khai thác chuyển sang cho Việt Nam, mà trên tàu khai thác thì không thể có nhãn mác. 

Câu chuyện bắt đầu từ chiếc nhãn. Cục Thú y giữ hàng ngoài cảng không cho kiểm dịch. Lý do ngưng kiểm dịch là hàng không có nhãn. Trước kiến nghị của VASEP, ngày 17/5, Cục Thú y có văn bản số 1007 giải quyết bất cập trước mắt đối với lô hàng của ba công ty lớn mà Việt Nam nhập về. Nhưng tới ngày 8/8, Cục lại có văn bản số 1867 yêu cầu không kiểm dịch và đề cập văn bản 1007 chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt của hai tháng vừa rồi.

Những lô hàng cá chuyển từ tàu khai thác cá quốc tế về không được kiểm dịch và sau đó Chi cục Thú y vùng 6 có văn bản gửi Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xử lý vi phạm. Khi VASEP phản ứng gay gắt với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 22/8) thì ngày 23/8, Cục Thú y có văn bản đồng ý cho kiểm dịch với lý do "vì hải quan chưa trả lời." 

Cũng theo Phó Tổng thư ký VASEP, ngày 24/9, Cục Thú y có công văn số 2233 gửi chi cục, hỏi ý kiến về việc kiểm soát chất lượng đối với lô hàng cá khai thác đại dương được đóng container. Văn bản chỉ đơn thuần hỏi ý kiến chi cục địa phương nhưng lập tức các chi cục ngừng kiểm dịch mặt hàng này trên toàn quốc. Việc hàng ách tắc tại cảng không được kiểm dịch, ông Nam cho biết, đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Sơ bộ 3 đơn vị nhập cá tàu thiệt hại khoảng 600 triệu đồng, trong đó có một doanh nghiệp thiệt hại 250 triệu đồng.

Điều vô lý, theo ông Nguyễn Hoài Nam, là cơ quan quản lý đòi doanh nghiệp nhập khẩu cá phải cung cấp chứng thư kiểm dịch, loại giấy mà thông lệ quốc tế chưa bao giờ có. Ngày 15/10, Cục Thú y ra văn bản đồng ý kiểm dịch từ ngày 16/10. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp bị thiệt hại đang muốn kiện hành chính vì thông báo ngừng kiểm dịch của các cơ quan trên không có thời gian chuyển tiếp và không dựa trên cơ sở pháp lý nào. 

Qua hai sự việc này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng đang tồn tại "bất ổn trong thực thi chính sách" gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp khá lớn.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết quy định hành chính và thủ tục hành chính của Tổng cục Thủy sản đang có vấn đề, khi cài cắm điều kiện kinh doanh vào văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư, đó là giấy phép khai thác của ngư dân. VASEP đã tập hợp các ý kiến báo cáo Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mong muốn những chuyện của thị trường, thông lệ quốc tế phải được quan tâm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng quy định về điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong luật và nghị định. Quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, nhưng thực tế vẫn có tình trạng lách câu chữ, không đưa vào nghị định nhưng đưa vào các thông tư bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, mà quy chuẩn, tiêu chuẩn này không phải là kỹ thuật đơn thuần mà bắt buộc phải có. 

“Nói là quy chuẩn nhưng thực chất là điều kiện bắt buộc,” Bộ trưởng cho rằng đây là lợi dụng để lách luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết sẽ kiểm tra lại, “nghe hai tai,” nếu có vi phạm sẽ yêu cầu thu hồi văn bản và công bố công khai với báo giới. 

“Không thể để trường hợp, một văn bản mà doanh nghiệp phải đi đi, lại lại, hôm bảo không kiểm, hôm bảo kiểm, tự do thích thế nào làm thế mà không áp dụng theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn nào cả,” Bộ trưởng nói.

Thành Đạt