BHXHVN quyết tâm hoàn thành 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2019

00:00 12/10/2020

Năm 2019 là năm khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, năm tập trung hoàn thiện hàng loạt các đề án, dự án về CNTT, cải cách hành chính, đổi mới phong cách phục vụ với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành BHXH "nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo", phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã có những chia sẻ về định hướng, kế hoạch thực hiện để đạt những mục tiêu năm 2019 mà ngành BHXH đặt ra.

Phóng viên: Năm 2018, ngành BHXH đã đạt được những kết quả ấn tượng. Ðồng chí có thể khái quát lại bức tranh hoạt động BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của ngành trong năm qua?

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Năm 2018, toàn ngành thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được 332.006 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giảm nợ đọng chỉ còn 1,7% tổng số phải thu (giảm 1,2% so với năm 2017), đây là mức thấp nhất từ trước tới nay. Số người tham gia BHXH là 14,724 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có 271 nghìn người tham gia BH tự nguyện, tăng 7% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số người tham gia BHYT tăng nhanh, đạt 88,5% dân số (tương ứng với 83,515 triệu người), vượt 3,3% so với chỉ tiêu tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg.

Cũng trong năm vừa qua, toàn ngành đã giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho gần 10,7 triệu lượt người; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho hơn 177,6 triệu lượt người; phối hợp giải quyết cho 768.739 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Thực hiện Luật BHXH, cả nước đã rà soát, bàn giao 13,24 triệu sổ BHXH cho người lao động, đạt 99,1% trên tổng số người lao động đang tham gia.

Những kết quả đạt được khá toàn diện đó chính là công sức, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH. Chúng tôi đã tiếp tục tạo được khối đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống, và chính sự đoàn kết đó đã tạo ra sức mạnh nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để làm nên những kết quả ấn tượng - những con số biết nói mà tôi vừa nêu trên.

Phóng viên: Lần đầu tiên tỷ lệ nợ đọng BHXH xuống mức thấp kỷ lục. Có thể thấy, ngành đã thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác đốc thu, giảm nợ, đồng chí cho biết rõ hơn vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra?

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Cùng với rất nhiều biện pháp quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động, tổ chức, cá nhân.

Năm 2018, toàn ngành đã thanh tra chuyên ngành tại 8.007 đơn vị, doanh nghiệp; kiểm tra tại 9.240 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 5.117 đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, phát hiện 44.460 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, 47.393 lao động đóng thiếu mức quy định, thu được 1.907 tỷ đồng tiền nợ đóng của các đơn vị trong và sau thanh kiểm tra, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 158,9 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định.

Phóng viên: Năm 2018, BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ về thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)... được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Là đơn vị có số đối tượng quản lý đến toàn dân, BHXH Việt Nam đang triển khai nội dung này như thế nào, thưa đồng chí?

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách TTHC, BHXH Việt Nam thường xuyên rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành. Những hoạt động này đã mang lại kết quả rõ rệt. Cụ thể, nếu năm 2011, số TTHC của ngành là 263 thủ tục thì đến nay chỉ còn 28 thủ tục đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, trang tin điện tử của BHXH các tỉnh. Trong từng thủ tục, các quy định về mẫu biểu, hồ sơ cũng như quy trình giải quyết cũng được đơn giản hóa hết mức, thời gian giải quyết từng thủ tục được rút ngắn...

Năm qua, BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hạ tầng CNTT; hoàn thiện quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình làm cơ sở để cấp số định danh cho người tham gia, làm tiền đề để quản lý, sử dụng sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến với tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 47,72 triệu hồ sơ.

Phóng viên: Năm 2019 là năm khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, năm tập trung hoàn thiện hàng loạt các đề án, dự án về CNTT, cải cách hành chính, đổi mới phong cách phục vụ với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành BHXH "nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo", phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Vậy, BHXH Việt Nam đã có kế hoạch gì để đáp ứng cho những mục tiêu này?

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, ngay từ đầu năm, ngành BHXH đã xác định rõ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH cần tập trung cao độ, quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Cụ thể, BHXH Việt Nam đặt ra 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2019, trong đó, về công tác thu, chi và phát triển đối tượng, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện giao kế hoạch của năm cho BHXH các tỉnh, thành phố ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, bao phủ BHYT của địa phương.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng vùng miền, nhóm đối tượng, thu hút được nhóm đối tượng là nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH, BHYT, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài việc chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng mở rộng hệ thống đại lý thu, chúng tôi xác định rằng, các cơ quan BHXH cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành; xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát tình hình tham gia BHXH đối với các doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế nhưng chưa tham gia BHXH trên toàn quốc.

Trong năm nay, ngành BHXH cũng sẽ tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước, qua thẻ ATM nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân; tiếp tục việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở KCB có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định; đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định.

Năm 2019, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống các phần mềm nghiệp vụ của ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối liên thông dữ liệu với Chính phủ và các bộ, ngành; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống BHXH Việt Nam; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4... nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Tôi cho rằng, với sự đoàn kết, nhất trí một lòng, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, ngành BHXH sẽ tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2019!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, Tổng Giám đốc! 

Tuệ Anh (Thực hiện)