Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Áp dụng chuyên ngành đặc biệt “giải cứu” bào thai

11:18 01/12/2020

Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 41.000 trẻ mắc dị tật, trong đó trẻ mắc dị tật nặng khoảng 20.000 trẻ, tức là cứ khoảng 30 phút sẽ có một trẻ dị tật nặng ra đời. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phần lớn những dị tật này đều có thể được phát hiện bằng những phương pháp sàng lọc, chẩn đoán hiện đại, các bác sĩ có thể tiến hành can thiệp bào thai, xử lý những tổn thương cho những bào thai khi đang còn nằm trong bụng mẹ.

.

Để chuẩn bị cho việc đưa vào áp dụng kỹ thuật điều trị can thiệp bào thai, ngay từ năm 2015, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã gửi kíp bác sĩ sang Bệnh viện Necker-Trung tâm Y học bào thai lớn nhất của Pháp, để tiếp thu học hỏi kỹ thuật can thiệp trong bào thai. Trong 2 năm trở lại đây, Bệnh viện thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt khoa học về y học bào thai với sự tham gia của các Giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực này. Năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp tục phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Necker tổ chức khoá đào tạo kỹ thuật can thiệp y học bào thai cho các bác sĩ tại Bệnh viện và các bác sĩ hoạt động trong chuyên ngành sản khoa. Ngày 06/10/2019, Bệnh viện chính thức tiến hành phẫu thuật nội soi hai ca song thai một bánh rau hai buồng ối bằng kỹ thuật laser quang đông nhằm điều trị hội chứng truyền máu.

Đây là một bước tiến mới trong nền y học sản phụ khoa của Việt Nam. Can thiệp y học bào thai cho sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối là một trong những lĩnh vực mới và cao nhất trên thế giới và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước thực hiện kỹ thuật này.

Hội chứng truyền máu song thaihay còn gọi là Twin-twin transfusion syndrome (TTTS) xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng và cùng chia sẻ một bánh nhau, là một rối loạn nghiêm trọng. Hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong trường hợp có hiện tượng kết nối mạch máu bất thường được hình thành trong nhau thai và tình trạng máu phân phối không được đồng đều ở giữa các thai nhi xảy ra. Điều này dẫn đến một trong hai đứa trẻ sinh đôi này được gọi là thai nhi cho, sẽ truyền máu qua các động mạch đến bánh rau, và không nhận được đủ lượng máu có chứa chất dinh dưỡng và oxy trở lại từ bánh rau thông qua tĩnh mạch. Trong khi đó đứa trẻ còn lại là thai nhi nhận, sẽ được nhận nhiều máu thông qua tĩnh mạch hơn, so với lượng máu mà em bé còn lại truyền đi thông qua các động mạch. Do đó, thai nhi cho sẽ thường có kích thước nhỏ hơn và bị thiếu oxy, cũng như chất dinh dưỡng. Trong khi đó, thai nhi nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm cho cả hai thai nhi.

Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) do sự nối các động mạch và tĩnh mạch dẫn đến sự mất cân bằng huyết động giữa thai cho và thai nhận. Hơn nữa TTTS còn được biết đến bởi sự chênh lệch thể tích giữa hai buồng ối, đa ối và thiểu ối (TOPS). Khi mắc hội chứng truyền máu song thai nếu không được điều trị thì 90-100% thai sẽ chết. Còn nếu một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề. Tỷ lệ mắc hội chứng truyền máu song thai là 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra. Hậu quả khi mắc hội chứng truyền máu song thai dẫn đến: Đẻ non, nhiễm trùng ối, OVS, suy tim thai nhận- do bị suy tim nên thai nhận sẽ chết, thiếu máu, thiếu oxy thai cho dẫn tới chết do suy bánh rau hoặc do thiếu máu mãn, nguy cơ tổn thương hệ thần kinh là 25% cho thai còn lại.

Trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật này thì những thai nhi không may mắn bị dị tật hoặc bất thường trong bụng mẹ có thể bị chết dần hoặc chào đời với những dị tật, bất thường nặng nề. Hiện nay, với kỹ thuật khoa học hiện đại, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, có thể cứu chữa được thai nhi với tỷ lệ thành công tới 90%, trẻ sinh ra sẽ không còn bị dị tật hoặc tử vong. Các bác sỹ sẽ tiến hành phẫu thuật laser, còn gọi là laser quang đông nội soi thai chọn lọc được thực hiện bằng cách thực hiện một vết rạch nhỏ trong bụng của mẹ và đưa một ống kim loại nhỏ vào trong tử cung. Thông qua một ống soi đặc biệt, bác sĩ phẫu thuật xem tất cả các kết nối mạch máu trên bề mặt của nhau thai. Sau khi xác định được tất cả các kết nối mạch máu bất thường, bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng thiết bị laser bít hoàn toàn các kết nối này. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật cũng rút bớt lượng nước ối thừa qua ống thông kim loại được đặt trước đó.

Đây là phương pháp phẫu thuật can thiệp vào trong bào thai, phẫu thuật giữ được thai, thai tiếp tục phát triển. Phẫu thuật để cho 2 thai đang bị biến chứng đó không còn biến chứng, không bị bất thường mà tiếp tục phát triển trong bào thai đến khi có thể nuôi được thì mới để bé chào đời.

Đến nay, sau 1 năm, số trường hợp được can thiệp thành công tại Bệnh viện lên tới trên 50 ca. Gần nửa trong số đó đã chào đời khỏe mạnh, những em bé còn lại đang tiếp tục được theo dõi cho đến khi ra đời. 

Công- Lợi