Bên con nhiều hay ít, không bao giờ là đủ

00:00 12/10/2020

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, dường như các bậc phụ huynh quá bận với rất nhiều mối quan tâm, ít có thời gian dành cho con cái. Để bù đắp lại điều này, cha - mẹ đã chu cấp cho con mọi yêu cầu về vật chất. Tuy nhiên, điều mà con trẻ cần hơn hết đó chính là sự quan tâm, nâng đỡ về tinh thần đúng lúc. Mỗi ngày trò chuyện với con, gợi mở để con tâm sự với cha mẹ đôi khi chỉ cần một giờ đồng hồ. Ngược lại không ít phụ huynh lầm tưởng luôn ở bên con, đặt con trong tầm mắt của bố mẹ thì trẻ sẽ phát triển tốt. Vậy cha - mẹ cần dành thời gian cho con bao nhiêu là đủ?

danh-thoi-gian-cho-con-cai

Để giúp các bậc phụ huynh dễ dàng hơn trong việc cân đối giữa công việc và thời gian dành cho con, Trường Quốc tế TIS (TP.HCM) đã tổ chức buổi Talkshow với mong muốn giúp các bậc phụ huynh có thể tìm được những phương pháp tận dụng hiệu quả thời gian bên con, giúp con có được một cuộc sống đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần,  để có thể phát triển một cách toàn diện, chuẩn bị hành trang trở thành công dân toàn cầu cùng đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Câu trả lời tưởng chừng rất đơn giản, hóa ra lại là không dễ dàng đối với đại đa số những vừa bận rộn công việc cơ quan, gia đình và cũng muốn dành thời gian cho con và cho riêng mình.

Thực tế cuộc sống nhiều bộn bề, lo toan đã làm cho các bậc phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần mang đến cho con cái cuộc sống no đủ, học hành đến nơi đến chốn là được. Tuy nhiên điều mà con trẻ cần nhất ở cha - mẹ chính là thời gian gia đình sum họp, quây quần bên nhau.

Cuộc sống hiện đại, ngoài bận rộn, căng thẳng vì phải kiếm tiền, cha mẹ cũng có nhu cầu cho bản thân nhiều hơn, từ giao tiếp trong các mối quan hệ, mạng xã hội ảo, đến hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần, quỹ thời gian dành cho con, vì vậy, cũng bị thu hẹp lại. Rồi đến ngay cả con cái cũng thích đắm mình trong thế giới ảo, với bạn bè, hơn là giao tiếp với cha - mẹ. Cho đến một ngày, cha - mẹ không giao tiếp được với con, không hiểu con cái và  ngược lại.

Theo PGS - TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học ĐH Sư Phạm TP.HCM: “Câu hỏi dành thời gian cho con bao nhiêu là đủ, dường như không có câu trả lời. Mỗi ngày trò chuyện với con, gợi mở để con tâm sự với mình như một người bạn, đôi khi chỉ cần nửa giờ là đủ. Ngược lại, ở với con cả ngày nhưng cả cha mẹ và con không tìm thấy sự đồng cảm, thấu hiểu nhau thì cũng như không. Cố gắng chơi với con, dành cho con thời gian nhiều hết mức có thể ngay từ lúc con còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành, không ép buộc con theo ý mình mà chỉ là sự hướng dẫn, gợi mở để con tự nhận biết và chọn lựa. Điều con cái cần, đôi khi không phải là vật chất, mà chính sự quan tâm, nâng đỡ về tinh thần đúng lúc của cha – mẹ”.

ThS Ngô Minh Uy, GĐ Công ty Tư vấn và Giáo dục WE LINK, thành viên HĐQT CLB doanh nhân Xã hội miền Nam (SSEC) cho biết: “Dường như chúng ta quá bận với guồng quay của cuộc sống hiện đại, ít có thể dành thời gian cho con. Và không hiểu rằng, con ngày một trưởng thành, cần học rất nhiều thứ, trong đó để hình thành và làm lên nhân cách con người, cùng với nhà trường và xã hội thì gia đình chính là nền tảng vững chắc cho quá trình đó. Việc dạy cho con thành nhân, nên người, phần trách nhiệm quan trọng này không ai làm tốt hơn là cha mẹ”.

Khi nghĩ đến việc phải dành thời gian cho con, nhiều người luôn lấy lý do rằng “ quá bận để dành mỗi ngày 1h cho con”, “con đã có đầy đủ sách, vở, thầy, cô để dạy cho những điều hay, lẽ phải”.

Nhưng lại dễ cảm thấy bức xúc, phẫn nộ và thương xót khi xem tin tức về những đứa trẻ thân với người giúp việc hơn là mẹ, nghe theo lời những đứa bạn hư hỏng hơn là nghe những điều cha – mẹ dạy bảo. Vậy nguyên nhân xảy ra điều đó là do đâu, do ai?

TS Lê Đức Ánh, Hiệu trưởng Trường Quốc tế TIS (TP.HCM) chia sẻ: “Nếu công bằng  nhìn nhận, phần lớn trách nhiệm nằm ở chính chúng ta, những người thân xung quanh các em. Cha mẹ yêu thương con bằng cách đặt kỳ vọng vào con, đặt lên đôi vai bé nhỏ những mong ước ích kỷ mang tính sắp đặt. Nhưng lại không sẵn sàng dành thời gian để lắng nghe, tâm sự và thủ thỉ với con, đồng cảm với những ước mơ của con”.

“Bao nhiêu thời gian cho con là đủ? Có thể trả lời ngay, thời gian cha - mẹ ở bên con nhiều hay ít không bao giờ là đủ”. TS Lê Đức Ánh nhấn mạnh.

Mr. Doyle Muller, Chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em, thành viên tổ ngoại ngữ Trường Quốc tế TIS cho biết: “Với các nước phát triển, khi mà mọi chế độ bảo hiểm, những ưu tiên chính sách dành cho các bà mẹ, con trẻ được sống trong môi trường tuyệt hảo cả về vật chất lẫn tinh thần. Và nói chung là vì họ chẳng phải lo lắng về cuộc sống vật chất nhiều, nên thời gian dành cho con nhiều hơn. Còn chúng ta, đang phải đầu tắt mặt tối, quần quật làm mới mong có được những điều kiện tương đối để lo cho con cái của mình. Do đó, thời gian chính là điều xa xỉ nhất để dành cho con cái”.

Theo các chuyên gia, bên cạnh một số trẻ bị “tự kỷ” thực sự cũng có trường hợp con cái bị bố mẹ “bỏ bê” trong thời gian dài, nên có những hành vi bất thường, phát triển lệch lạc. Để trẻ không mắc phải chứng bệnh tự kỷ các bậc cha mẹ cần hạn chế cho con trẻ xem tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh. Ngoài ra, cần phải tăng cường nói chuyện và chơi với con trẻ, cho con trẻ tiếp xúc với môi trường tự nhiên để phát triển tâm sinh lý một cách toàn diện.

Bên con nhiều hay ít, không bao giờ là đủ luôn là câu hỏi không có câu trả lời chính xác, mà ý kiến của chị Nguyễn Thanh An (một phụ huynh tham gia Talkshow) đã khái quát vấn đề này: “Tôi hiểu từ rất lâu rằng, làm cha mẹ là điều khó khăn. Và một trong những khó khăn mà tôi đã vượt qua, hãnh diện và tự hào là mình đã làm ra tiền, đảm bảo cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất. Nhưng đến một ngày tôi chợt nhận ra, điều con cần nhất ở tôi không phải sữa, không phải đồ chơi Lego… mà là thời gian tôi dành cho con, cùng con tâm sự và khám phá cuộc sống, lắng nghe và đồng hành cùng con trên con đường chuẩn bị hành trang trở thành công dân toàn cầu, thích ứng được với xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước với khu vực và thế giới hiện nay”.

Bài và ảnh: Bình An (Văn phòng Đại diện phía Nam)