'Bê bối kim cương' chấn động hệ thống ngân hàng Italia

00:00 12/10/2020

Cuộc điều tra kéo dài về doanh số bán kim cương tại các ngân hàng Italia đã hé lộ thêm bằng chứng tham những của các quan chức tại UniCredit, tổ chức cho vay lớn nhất tại Italia, và đối thủ Banco BPM.

Các cáo buộc, một số chưa từng được báo cáo trước đây, được đưa ra trong các văn bản của công tố viên khi xin lệnh của thẩm phán cho phép thu giữ tài sản của ngân hàng và 2 nhà môi giới kim cương.

Các cáo buộc liên quan đến nghi phạm và không có nghĩa là các công tố viên sẽ buộc tội các công ty và nhân viên của họ sau khi cuộc điều tra, bắt đầu năm 2016, đi tới hồi kết.

Số lượng ngân hàng thuộc diện tình nghi, và cáo buộc họ phải đối mặt nếu bị kết tội, đang tăng dần lên.

Trong một diễn biến mới, các quan chức tại Unicredit và Banco BPM cũng đang bị tình nghi tham những vì người môi giới tại Intermarket Diamond Business (IDB) đầu tư một phần lợi nhuận từ việc bán kim cương vào cổ phiếu của các ngân hàng này, theo chứng cứ của công tố viên .

Ngoài UniCredit và Banco BPM, Intesa Sanpaolo và Banca Monte dei Paschi di Siena cũng đang bị điều tra.

Bê bối kim cương chấn động hệ thống ngân hàng Italia - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Vào tháng 2, các thẩm phán đã ra lệnh thu giữ hơn 700 triệu EUR tài sản từ 2 nhà môi giới và 5 ngân hàng.

UniCredit cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với nhà chức trách, và có chính sách không bình luận về cuộc điều tra đang diễn ra. Ngân hàng này sẽ “tiếp tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng phù hợp cho các khách hàng chịu ảnh hưởng”.

Luật sư của Banco BPM, Banca Aletti, Intesa Sanpaolo, IDB và Monte dei Paschi từ chối bình luận.

Trong vụ bê bối kéo dài của một lĩnh vực vốn đã chịu nhiều tranh cãi, các ngân hàng lớn nhất Italia đang bị tình nghi câu kết với những nhà môi giới kim cương để lừa đảo chính khách hàng của họ – bán cho họ kim cương với giá cao hơn nhiều trong khi tiếp thị chúng như một khoản đầu tư tài chính hợp lý.

Tất cả các ngân hàng, cùng với công ty con của Banco BPM, Banca Aletti, bị tình nghi lừa đảo và rửa tiền khi sử dụng khoản tiền thu được để tăng lợi nhuận, theo các cáo buộc được đưa ra trong tài liệu dùng cho lệnh tịch thu.

Các công tố viên cũng nghi ngờ UniCredit và Banco BPM đã có thỏa thuận với IDM, trong đó đổi lại việc ngân hàng bán kim cương của IDM, người môi giới sẽ mua lại cổ phiếu của ngân hàng, tăng vốn cố phần trong thời điểm áp lực nợ xấu tăng cao.

Theo luật pháp Italia, hành vi được cho là tham những khi một bên lạm dụng vị thế thương mại để buộc đối tác đưa ra những ưu đãi – trong trường hợp này là việc mua cổ phiếu. Các quan chức IDM liên quan tới vụ việc cũng đang bị điều tra.

Một luật sư hình sự cho biết, theo luật pháp của Italia, nếu các ngân hàng bị buộc tội và kết án, họ có thể phải chịu khoản tiền phạt hàng triệu EUR, có nguy cơ mất tổng cộng 161 triệu EUR bị tịch thu hồi tháng 2 và thậm chí có thể bị tạm thời ngừng hoạt động, theo lệnh của tòa án.

Các ngân hàng này cũng có thể được lệnh trả tiền bồi thường cho các nạn nhân, tổng số tiền sẽ được quyết định bởi tòa án.

Ước tính có hơn 100.000 người đã mua kim cương tại các ngân hàng Italia trong vòng 20 năm trở lại đây, các nguồn tin tư pháp cho biết.

'Chĩa súng vào đầu'

Các ngân hàng đã bán kim cương cho các nhà môi giới Italia từ những năm 1980, nhưng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo các công tố viên, khi phải đối mặt với các khoản nợ xấu do suy thoái và cần tìm kiếm nguồn thu thay thế.

Banco BPM, ngân hàng lớn thứ 3 tại Italia, được biết đến với tên gọi Banco Popolare vào năm 2016 khi ngân hàng này tìm cách huy động vốn để sát nhập với Banca Popolare di Milano.

Trong cuộc nói chuyện điện thoại đầu tháng 6/2016, cựu giám đốc điều hành của IDB phàn nàn về việc Banco Popolare nhất quyết yêu cầu ông đầu tư vào cổ phiếu của ngân hàng.

“Do chúng tôi có ý định ít nhiều tự nguyện đóng góp, theo một cách rất đáng kể, vào quy trình tăng vốn của Banco Popolare, họ xuất hiện với khẩu súng 9 ly chĩa vào đầu tôi và nói, ‘ký vào đây’”, Claudio Giacobazzi nói trong một cuộc gọi với cố vấn tài chính năm 2016.

Giacobazzi đã mất năm ngoái. IDB phá sản vào tháng 1 và đang được thanh lý.

IDB đã đầu tư hơn 7 triệu EUR vào cổ phiếu và quyền chọn cổ phiếu của UniCredit vào năm 2012, và tổng cộng hơn 950.000 EUR vào cổ phiếu của Banco Popolare năm 2014 và 2016, theo lệnh thu giữ tài sản của ngân hàng vào tháng 2.

Bê bối kim cương chấn động hệ thống ngân hàng Italia - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters.

Banco BPM thu lợi nhuận nhiều nhất từ việc bán kim cương, khoảng 85 triệu EUR, tính cả hoạt động kinh doanh của Banca Aletti, giữa năm 2012 và 2016 – hơn cả thu nhập của 3 ngân hàng khác cộng lại. Banco BPM cũng tính phí hoa hồng nhiều nhất, lên tới 24,5%.

Các công tố viên ở Milan tin rằng ngân hàng đã thông đồng với các nhà môi giới để bán kim cương cho khách hàng, thường với cái giá gấp đôi giá thị trường và kiếm được hàng chục triệu EUR hoa hồng mỗi lần. Đối tác của họ là IDB và Diamond Private Investment (DPI), một tổ chức môi giới khác, kiếm được hàng trăm triệu.

Luật sư của DPI từ chối bình luận về cái mà ông gọi là một cuộc điều tra sơ bộ đang diễn ra.

Các công tố viên tin rằng nhân viên của UniCredit, Banco BPM và Monte dei Paschi đã nhận các món quà bao gồm kỳ nghỉ khách sạn và đồ cổ từ các nhà môi giới như tiền thưởng bán hàng.

Rai3, kênh truyền hình quốc gia của Italia lần đầu tiên đưa tin về vụ việc vào cuối năm 2016.

68 quan chức ngân hàng và tổ chức môi giới đang chịu sự điều tra, cũng như chính ngân hàng, nhưng có thể còn nhiều hơn nữa các cá nhân sẽ bị điều tra trước khi vụ việc kết thúc trong vòng vài tháng tới, 2 nguồn thạo tin cho biết.

Các công tố viên đã nhận được đơn kiện từ hơn 450 người có khả năng là nạn nhân, một nguồn tin cho biết.

Cơ quan chống độc quyền của Italia đã phạt các ngân hàng và người môi giới tổng cộng 15 triệu EUR trong năm 2017 vì bán kim cương với giá quá cao.

Chuyện điên rồ

Các điều tra viên cho rằng ngân hàng và các nhà môi giới kim cương đã bán loại đá quý này dưới vỏ bọc một khoản đầu tư an toàn.

Những khách hàng hỏi về mức giá họ phải trả được chỉ dẫn tới bảng giá kim cương đã được điều chỉnh trên nhật báo tài chính của Italia, tờ Il Sole 24 Ore. Danh sách này, được khách hàng cho là giá chính thức của thị trường, thực chất chỉ là quảng cáo được đăng bởi các nhà môi giới, theo các điều tra viên.

Người phát ngôn của tờ báo từ chối bình luận.

Một tờ quảng cáo của Banca Aletti phát cho khách hàng miêu tả những viên kim cương như là “chỗ trú ẩn an toàn” trong trung và dài hạn, dự báo mức lợi nhuận 50-80% trên lạm phát.

Trong một cuộc điện thoại tháng 5/2017, giám đốc điều hành kế hoạch và tiếp thị cho Banco BPM, Pietro Gaspardo, đã thảo luận về tờ rơi này với tổng giám đốc của BPM, Maurizio Faroni.

“Những thứ viết trong đó thật tuyệt vời. Tuyệt! Tuyệt vời!”, Gaspardo nói với Faroni. “Lợi nhuận kỳ vọng…thật điên rồ. Có những thứ được viết trong đó thực sự điên rồ”.

“Tôi đang không nghĩ cho bản thân mà nghĩ cho ngân hàng. Những điều trong đó có thể khiến chúng ta thực sự gặp rắc rối. Đầu tư vào kim cương chứ không đem bán chúng như trang sức, với lợi nhuận kỳ vọng – thật không tin được!”

Luật sư của Gaspardo, Maurizio Miculan, cho rằng những bình luận của thân chủ cho thấy sự vô tội vì ông hoàn toàn bất ngờ trước những gì được viết trong tờ rơi.

Luật sư của Faroni từ chối bình luận.

Khi khách hàng muốn bán lại kim cương, họ sẽ bán chúng cho các nhà môi giới thông qua ngân hàng. Ngân hàng kiếm được hoa hồng 12-24,5% cho việc bán kim cương và các nhà môi giới kiếm được 7-16% khi mua lại chúng, theo lệnh thu giữ tài sản của tòa án vào tháng 2.

Một khách hàng trong số đó là Gabriele Moggi, người đã dành khoảng 33.000 EUR – một phần lớn trong khoản lương hưu sớm từ Không quân Italia – để mua kim cương năm 2016 theo lời khuyên từ ngân hàng của ông, một chi nhánh của Banco Popolare. 6 tháng sau, ông đem các viên kim cương đi định giá riêng lẻ và nhận được mức giá khoảng 8.000 EUR.

Moggi nói ông cuối cùng cũng đã dàn xếp được với ngân hàng vào tháng 1 để nhận mức bồi thường 15.000 EUR. Những gì ông còn lại là kim cương và khoản lỗ 10.000 EUR.

“Lúc đầu tôi đòi 20.000 EUR”, Moggi nói, vô cùng chán nản. “Cuối cùng tôi chấp nhận 15.000 EUR vì không còn cách nào khác”.

Người phát ngôn của Banco BPM cho biết ngân hàng không thể bình luận cho các trường hợp riêng lẻ.

Theo Minh Ngọc/Reuters