Bắt đúng bệnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

00:00 12/10/2020

Không cần cổ phần hóa thật nhiều nhưng phải bảo toàn vốn Nhà nước, hiện vẫn còn rất lớn trong DN, phải được bán nhanh hơn, giá trị cao hơn và nâng cao năng lực quản trị của DN Nhà nước.

Ảnh minh họa

Chỉ đạo này được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nêu tại cuộc họp về công tác sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước diễn ra mới đây. Phó Thủ tướng đã bắt đúng bệnh cổ phần hóa (CPH) thời gian qua. Có nghĩa CPH sẽ tập trung vào yếu tố chất lượng. Bởi thời gian qua mới chỉ đạt được về số lượng DN, tuy nhiên lại không đạt đúng bản chất, phần trăm được CPH lại quá nhỏ. Tới nay đã có 96,5% số lượng DN Nhà nước (DNNN) CPH nhưng tổng số vốn CPH chỉ có 8%. Như vậy còn tới 92% vốn Nhà nước chưa được CPH. Thực tế, quá trình CPH diễn ra chưa thực chất. Nhiều trường hợp đối tác mua cổ phần của DNNN chính là các DNNN khác. Có tình trạng sở hữu chéo lẫn nhau, các DN đó vẫn là DNNN sau CPH thành công. Cũng có trường hợp CPH thành tư nhân hóa, tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người. Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt dẫn tới mô hình quản trị hiện tại của DN không đạt được như mong đợi… Tái cấu trúc kiểu chăm chăm CPH mà không giám sát chặt sẽ là “cơ hội vàng” cho tiêu cực và nguy cơ mất vốn lại đe dọa… Sắp tới, chắc chắn nhiệm vụ CPH sẽ nóng hơn khi Chính phủ ban hành một nghị định mới nhằm gỡ những vướng mắc trong cơ chế bán, thoái vốn Nhà nước; khi mà Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN thực hiện không có kết quả công tác này. Sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu, đại diện vốn Nhà nước nếu cố tình sai phạm, chây ì, thoái vốn Nhà nước; Các bộ, ngành tăng cường thanh tra giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tiêu cực trong thoái vốn... Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đặc biệt, sau CPH, các DN phải hoạt động hiệu quả hơn, phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng tính công khai, minh bạch. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế và đã được sự thống nhất cao từ Quốc hội, Chính phủ trong việc thay đổi mô hình kinh tế, cơ cấu lại khu vực Nhà nước, cần phân bổ lại nguồn lực để nền kinh tế phát triển một cách hiệu quả, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao sức mạnh nội địa. Theo kế hoạch đặt ra, từ 2017 – 2020, cả nước sẽ thực hiện CPH 137 DNNN, tập trung ở 4 bộ, ngành, 32 địa phương và 4 tập đoàn kinh tế. Tính ra số lượng DN cần CPH trong 4 năm tới không còn nhiều nhưng có điều đáng lưu ý đó là các DN lớn. Vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc CPH và hiệu quả đổi mới quản trị DN, không để thất thoát vốn Nhà nước, đặt vấn đề với các bộ, ngành cần phải tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, ban hành các kế hoạch CPH DNNN. Theo kinhtedothi