Xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) phát huy lợi thế để phát triển du lịch biển

00:00 12/10/2020

Xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong điều kiện có nhiều thuận lợi cơ bản. Chính trị xã hội ổn định, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Kinh tế - Xã hội.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, thành phố được đầu tư xây dựng trên địa bàn, góp phần làm thay đổi diện mạo của xã. Nhân dịp này, ông Nguyễn Ngọc Hiếu- Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh đã có cuộc trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập xung quanh chủ đề trên.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu- Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh

Thưa ông, Bảo Ninh xưa kia là “ốc đảo” cách sông, trở đò. Từ ngày có cầu Nhật Lệ, xã Bảo Ninh trở thành thương hiệu, địa chỉ tin cậy của khách du lịch mỗi khi đến với Quảng Bình. Ông nghĩ sao về điều này?

Cách nay khoảng 20 năm, khi nói về xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một vùng cát trắng cách trở, nghèo khó. Khi đó, nhân dân, cán bộ xã Bảo Ninh muốn qua bên kia sông của thành phố Đồng Hới thì chỉ có thể đi đò, rất vất vả. Giao thông còn cách trở thì kinh tế khó mà phát triển được. Đến năm 2004, khi cây cầu Nhật Lệ I được hoàn thành, giao thông đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, từ đây kinh tế - xã hội xã Bảo Ninh mới phát triển. Nếu cầu Nhật Lệ I đã đánh thức tiềm năng phía Bắc Bảo Ninh với Mỹ Cảnh và bao công trình du lịch, mở đầu cho công cuộc kiến thiết xây dựng Bảo Ninh trở thành hòn ngọc xanh, thì cầu Nhật Lệ II hoàn thành cuối năm 2017 tiếp tục tạo tiền đề cho các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch Bảo Ninh mở ra ở những địa bàn mới. Ngày nay khi đến với Quảng Bình, Bảo Ninh trở thành địa chỉ tin cậy của khách du lịch. Hay nói cách khác, nếu chưa đến với Bảo Ninh, du khách chưa thể tận hưởng hết thú vị của du lịch Quảng Bình. Bởi Bảo Ninh có bãi tắm đẹp tự nhiên, trong lành, ẩm thực biển Bảo Ninh nói riêng và Quảng Bình nói chung khác với ẩm thực ở các vùng biển khác của nước ta. Bên cạnh thưởng thức các món ăn ngon tại chỗ, du khách còn mua được nhiều đặc sản biển tươi sống hoặc đồ khô làm quà như cá, mực, mắm ruốc các loại đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý. Hiện nay, xã Bảo Ninh đã có một HTX chế biến thủy hải sản, các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.

 Trụ sở UBND xã Bảo Ninh

Còn nói về cơ sở hạ tầng, trên địa bàn xã Bảo Ninh hiện có 3 khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp, hàng chục khách sạn nhà nghỉ, nhà hàng, các Homestay kiểu mới. Dọc con đường Võ Nguyên Giáp, nhiều khách sạn năm sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đặc biệt phải kể đến một siêu dự án lớn với mức đầu tư lên đến 20.000 tỉ đồng của Tập đoàn FLC. Một tổ hợp 10 sân Golf dọc theo bờ biển từ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới qua huyện Quảng Ninh đến huyện Lệ Thủy sẽ kèm theo một Resort đẳng cấp 5- 6 sao để phục vụ khách du lịch và các tay Golf lưu trú, nghỉ dưỡng… Ngoài những lợi thế trên, Bảo Ninh còn có xu hướng phát triển du lịch tâm linh gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời như múa bông, chèo cạn, lễ hội bơi trãi, lễ hội cầu mùa các miếu thờ tâm linh khác. Trong tương lai gần, cầu Nhật Lệ III được tiếp tục đầu tư, thúc đẩy du lịch biển của địa phương lên một tầm cao mới, góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội của thành phố Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình.

Nhiều người biết đến Bảo Ninh vì đó là quê hương đã sinh ra Mẹ Suốt anh hùng, một vùng quê giàu tiềm năng về du lịch, nơi có nhiều sản phẩm về biển cho khách thập phương. Qua Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIV vừa rồi, phương hướng của Bảo Ninh là gì để phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, coi phát triển du lịch là then chốt?

Đại hội Đảng bộ xã Bảo Ninh lần thứ XXIV - nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Thương mại - Dịch vụ du lịch. Phát triển dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển du lịch là then chốt. Theo đó, Nghị quyết Đại hội đã đưa ra các giải pháp chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các nhà hàng, khách sạn, siêu thị vừa và nhỏ. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các mặt hàng có lợi thế của địa phương. Xây dựng các khu vui chơi giải trí, bãi tắm biển. Tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các điểm du lịch tâm linh để phát triển đa dạng hoạt động du lịch. Tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, chú trọng đào tạo nguồn tại chỗ. Quảng bá các khu ẩm thực trên địa bàn. Khôi phục, phát triển và nâng cao chất lượng quy mô tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch, phát triển các làng nghề chế biến hải sản truyền thống, từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 Trọng Lãnh (thực hiện)