Bảo hiểm xã hội trong khu vực lao động phi chính thức: Cần giải pháp đồng bộ

00:00 12/10/2020

Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã điều chỉnh các mục tiêu, phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, năm 2025 đạt 45% và năm 2030 đạt 60%. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) thì lực lượng lao động khu vực phi chính thức chiếm trên 60%. Họ là những người thường làm việc thời vụ, hợp đồng lao động ngắn hạn, ở khu vực nông thôn, việc làm bấp bênh, thiếu ổn định; thu nhập thấp… nên việc đầu tư mua BHXH cho tuổi già gần như ngoài khả năng của họ và đây chính là áp lực lớn về chính sách an sinh xã hội (ASXH) của đất nước.

 Lực lượng lao động phi chính thức thường làm việc thời vụ. Ảnh minh họa

Những mắt xích cần tháo gỡ trong chính sách BHXH hiện nay

Chỉ tính riêng BHXH bắt buộc hiện nay, doanh nghiệp phải đóng 22% trên quỹ tiền lương, người lao động phải đóng 8,5% mức tiền lương, tiền công. Do vậy, nhiều doanh nghiệp trốn nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Thực tế thời gian qua, tình trạng chậm đóng, nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH xảy ra ở hầu hết địa phương, vi phạm và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Nhưng cơ quan BHXH ở nhiều tỉnh, thành phố chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục. Việc nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) lên tới con số hàng ngàn tỷ mỗi năm. Việc không trích nộp bảo hiểm kịp thời, đúng quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động sau này.

Bên cạnh đó, quy định khống chế mức trần đóng BHXH của Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 không quá 20 tháng lương tối thiểu cũng hạn chế một bộ phận người lao động có thu nhập cao, đang làm tại các doanh nghiệp, các tổ chức có yếu tố nước ngoài sẽ bị giảm quyền lợi một cách rõ rệt khi họ muốn hưởng thụ cao khi về hưu. Nên ý tưởng thành lập quỹ hưu trí bổ sung đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận, cho đây là một hướng đi đúng và cần thiết, đó là chưa kể Quỹ hưu trí hiện hành còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chi trả trong tương lai gần.

BHXH cần kích cầu từ nhiều kênh

Thực tế, không đợi đến khi các cơ quan chức năng có quy định về nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí, mà các công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) sớm đánh giá được tiềm năng của phân khúc bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu, cung cấp loại hình bảo hiểm trên. Các doanh nghiệp này đã cho ra đời các dòng sản phẩm hưu trí và đã thuyết phục được đa số người lao động ở khu vực phi chính thức. Đồng thời các công ty BHNT đã triển khai thông tư 115/2013/TT-Bộ Tài Chính hướng dẫn Bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện, đến với các đối tượng người lao động trong doanh nghiệp, người dân…

Theo thống kê từ các công ty BHNT, trong năm 2017 đã có khoảng hơn 100 tập đoàn, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: dầu khí, dịch vụ vận tải, hàng không, khách sạn, chế biến thực phẩm, hóa chất… đã tích cực tham gia bảo hiểm hưu trí. Theo hướng dẫn, quy định cụ thể của thông tư 115/2013/TT-Bộ Tài Chính, trong đó bao gồm các quy định về sản phẩm, hình thức đóng phí, quyền lợi doanh nghiệp và người lao động được hưởng từ chương trình, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản lý quỹ hưu trí… Doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến đời sống của người lao động trong thời gian công tác mà cả trong giai đoạn hưu trí.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong giai đoạn đang làm việc cho doanh nghiệp, người lao động được hưởng lương và chế độ phúc lợi, đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác. Do đó, khi doanh nghiệp thực sự thấu hiểu và quan tâm chăm lo cho người lao động, họ sẽ lựa chọn bảo hiểm hưu trí tự nguyện để gia tăng mức lương hưu cho bản thân. Một điểm đáng lưu ý là người lao động được chủ động xây dựng và xác định mức hưởng quyền lợi hưu trí dựa trên nguyên tắc "đóng-hưởng" nên có thể tham gia đóng góp cùng doanh nghiệp nhằm tăng thêm quyền lợi hưu trí bên cạnh lương hưu từ bảo hiểm xã hội.

Và những giải pháp cụ thể hơn

Như vậy, bài toán đặt ra ở đây là phải làm sao để toàn bộ người dân thuộc khu vực phi chính thức tham gia vào hệ thống BHXH theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Nhưng việc mua BHXH tự nguyện liệu có thực thi hay không?. Vậy nên, ngành bảo hiểm cần quyết liệt hơn nữa trong việc truyền thông sâu rộng về chính sách BHXH tự nguyện, tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là vai trò các hội, đoàn thể như: Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… để người dân nhận thức được tính ưu việt, nhân văn của chính sách này, nắm được quy trình thủ tục tham gia và chế độ được hưởng. Cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò chủ động của ngành BHXH trong việc đẩy mạnh các hình thức truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội thảo và phối hợp với các ngành có liên quan.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam: “Để phát triển đối tượng trong nhóm này, tôi cho rằng phải lấy kinh nghiệm từ việc tổ chức, thực hiện quỹ BHYT: Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tham gia BHYT với một số nhóm đối tượng yếu thế, và hỗ trợ 70% với một số đối tượng có mức thu nhập trung bình, bên cạnh đó, chính quyền mỗi địa phương đều bổ sung mức hỗ trợ nhất định.

 Như vậy, bài toán đặt ra ở đây là chúng ta phải tăng cường mức hỗ trợ của người dân để tham gia vào hệ thống BHXH. Có thể, khi người dân mới tham gia BHXH, Nhà nước có mức hỗ trợ tối đa (khoảng 70%) nhằm tạo thói quen, đẩy nhanh độ bao phủ BHXH, đến khi người dân có điều kiện kinh tế khá giả hơn và đã nhận thức được tính ưu việt của chính sách, có thói quen tham gia BHXH thì chúng ta xem xét thực hiện lộ trình hỗ trợ theo hướng giảm dần một cách phù hợp…”.

Hương Minh