Báo động tràn ngập hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt

00:00 12/10/2020

Không cần phải đến các chợ, siêu thị, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội như Phạm Ngọc Thạch, Trần Thái Tông, Đỗ Đức Dục… người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp nhiều người dùng xe thồ chở đủ các loại hoa quả như đào, mận, nho… rao là hàng Việt Nam bán với giá rẻ.

Cụ thể, đào có giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, mận xanh 25.000 - 30.000 đồng/kg, nho 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Hoa quả Trung Quốc gắn nhãn hàng Việt
Không chỉ xuất hiện tại các quận nội thành mà ngay tại các vùng giáp ranh như khu vực Nhổn - Cầu Diễn cũng xuất hiện nhiều xe thồ bày bán hoa quả không rõ nguồn gốc nhưng được rao là hàng Việt. Chủ một cửa hàng kinh doanh hoa quả trên đường Hồ Tùng Mậu quảng cáo: Nho xanh chính gốc Ninh Thuận 25.000 đồng/kg, mận tím Sa Pa chỉ 30.000 đồng/kg, đào Tây Bắc 20.000 đồng/kg... Khi được hỏi giá rẻ như vậy phải chăng là hàng Trung Quốc, hầu hết người buôn bán đều khẳng định: “Hàng Tàu” nhiều chất bảo quản ăn vào ảnh hưởng đến sức khỏe, bán chả ai mua nên 100% hoa quả bày bán là hàng Việt Nam, không có hàng Trung Quốc!
Hoa quả Trung Quốc núp bóng hàng Việt. Ảnh: Hoài Nam
Hoa quả Trung Quốc núp bóng hàng Việt. Ảnh: Hoài Nam
Nếu như trên thị trường tự do bán đủ loại hoa quả do người Việt sản xuất thì tại các siêu thị như Big C, Fivimart, Hapro… đều không bán mặt hàng này. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) khẳng định: Các loại như đào, mận Tây Bắc, nho xanh Ninh Thuận, dưa vàng… mà các tiểu thương đang bán trên thị trường đều là hàng Trung Quốc. Lý giải cho khẳng định đó, bà Hậu cho rằng, bởi thời kỳ thu hoạch những sản phẩm này tại Việt Nam đều đã hết. Cụ thể, tháng 4, tháng 5 Ninh Thuận vào mùa thu hoạch nho, các loại mận tím, mận xanh chỉ có vào tháng 5, tháng 6, đào Lào Cai được thu hoạch từ hồi tháng 5 đến đầu tháng 7 đã hết vụ. “Hiện đang là thời điểm thu hoạch nhãn nên siêu thị chỉ bày bán mặt hàng này, còn những loại nho xanh, đào, mận… đều là hàng từ Trung Quốc nên Fivimart không kinh doanh” - bà Vũ Thị Hậu khẳng định. Khó ngăn chặn xử phạt Hoa quả không rõ nguồn gốc, phần nhiều trong số đó nhập từ Trung Quốc nhưng được tiểu thương gắn mác “Việt Nam” là vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát lại không dễ dàng. Giám đốc Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam Đỗ Quang Sơn cho biết: Trung bình mỗi ngày lượng hoa quả về chợ đầu mối phía Nam lên đến 400 - 450 tấn. Trong đó hàng nhập từ Thái Lan, Trung Quốc chiếm 50% và có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ do hải quan cửa khẩu xác nhận. Đồng thời chủ hàng khi bán buôn đều nói rõ là hoa quả Trung Quốc. Nhưng tiểu thương khi bán lẻ tại hệ thống chợ truyền thống đều “truyền miệng” là hàng Việt. “Thực trạng này ngoài tầm kiểm soát bởi DN chỉ có chức năng kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại chợ đầu mối phía Nam” - ông Sơn nêu rõ. Về vấn đề lực lượng quản lý thị trường (QLTT) có ngăn chặn được tình trạng này hay không? ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội nêu rõ: Chức năng của QLTT là kiểm tra, xử lý các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh hoa quả nhập khẩu như: Klever Fruits có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hay không. Còn với những tiểu thương khi bán nói sai về nguồn gốc, QLTT không thể cũng như không có bằng chứng vi phạm để xử phạt. Bên cạnh đó, việc Cục Bảo vệ thực vật chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể chứng minh chất bảo quản có trong hoa quả Trung Quốc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào để lực lượng chức năng làm căn cứ nên việc xử phạt gặp nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Công San nêu ví dụ. Điều đó cho thấy, đang có lỗ hổng lớn trong việc quản lý nông sản, trái cây đối với các tiểu thương bán lẻ. Trong khi đây là một kênh phân phối lớn do thói quen tiêu dùng của người dân thì ngành chức năng lại đang không thể kiểm soát. Chưa có tiêu chí đánh giá mức độ độc hại của dư lượng thuốc bảo quản trong hàng nông sản, trái cây nhập khẩu (nhất là từ Trung Quốc) đối với người tiêu dùng; Lực lượng chức năng không có căn cứ để xử lý; Việc lấy mẫu, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên, liên tục... khiến người tiêu dùng đang phải nơm nớp mỗi khi đi chợ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 351 triệu USD để nhập khẩu rau quả các loại (cùng kỳ năm 2015 là 519 triệu USD). Trong đó, thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc với giá trị nhập khẩu lên đến 80,7 triệu USD (tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2015). Ở thời điểm hiện tại Việt Nam nhập chủ yếu các loại như táo, lê, mận, đào, xoài, nho… với số lượng lên đến hàng trăm tấn mỗi ngày.
Minh Ngọc/kinhtedothi.vn