Báo chí đã kết nối tiếng nói nhân dân với Đảng, với chính quyền

00:00 12/10/2020

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2017); phát động Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XIII năm 2017- 2018 và khai trương Tạp chí điện tử Mặt trận.  
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp mặt
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự buổi gặp mặt còn Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cùng đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lời cảm ơn, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cơ quan báo chí với những nỗ lực sáng tạo, luôn phản ánh kịp thời thực tiễn cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, qua 92 năm, đến nay, với 20.600 hội viên từ 800 cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đông đảo này là lực lượng quan trọng phản ánh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động của các bộ ngành, các địa phương; nêu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cả nước; làm rõ được sáng kiến mô hình của nhân dân đối với sự phát triển của đất nước. Báo chí đã kết nối được tiếng nói giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền các cấp. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian vừa qua, MTTQ Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, các cuộc vận động, các phong trào của Mặt trận đã được báo chí luôn đồng hành. Đặc biệt, từ khi Mặt trận triển khai công tác giám sát, phản biện thông qua Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam và việc ký kết Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đây là cơ sở để MTTQ Việt Nam trong thời gian tới có trong tay cơ sở pháp lý quan trọng nhằm triển khai công tác giám sát, phản biện. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đồng bào cả nước luôn ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan báo chí và đặc biệt trong bối cảnh đổi mới trên toàn cầu, mỗi phóng viên, biên tập viên luôn luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu công việc của mình để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đưa đất nước ngày càng phát triển.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt Tạp chí điện tử Mặt trận
Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XIII năm 2017- 2018. Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đại biểu tham dự đã bấm nút khai trương Tạp chí điện tử Mặt trận.
Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” là những tác phẩm có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời các nội dung: Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thường xuyên học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhất là việc thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2014- 2019.Bên cạnh đó là tuyên truyền Cuộc vận động ”Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; tuyên truyền kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11 hàng năm và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Tuyên truyền các hoạt động ”Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo các đối tượng chính sách; kết quả vận động quỹ ”Đền ơn đáp nghĩa”, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- liệt sĩ ở các địa phương trong cả nước. Tuyên truyền vận động tạo Quỹ vì người nghèo, nhất là các dịp Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2017 và ”Tết vì người nghèo” năm 2018. Ưu tiên sử dụng Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo. Một nội dung quan trọng khác là tập trung tuyên truyền kết quả triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; Tuyên truyền đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, về quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông với cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… Các thể loại báo chí được xét giải lần thứ XIII năm 2017- 2018 gồm: báo viết, báo phát thanh, báo hình, báo điện tử và ảnh báo chí. Tác phẩm báo chí được xét giải bao gồm các thể loại như tin, bài, phản ánh, bình luận, chuyên luận, xã luận, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí… đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục. Tác phẩm dự Giải là những tác phẩm được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng từ 1/10/2016 đến 20/9/2018. Những tác phẩm trong thời gian này được trao Giải thưởng ở các cuộc thi ở địa phương, ngành hoặc liên ngành ở Trung ương vẫn được quyền dự Giải nhưng phải ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức. Đối tượng dự Giải là tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Mỗi tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm dự giải. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm, giải sẽ trao cho nhóm tác giả. Số tác giả của một nhóm tối đa là 7 người. Thời gian nhận tác phẩm dự giải từ ngày 21/6 đến 20/9/2018 (theo dấu bưu điện). Tác phẩm dự giải gửi về Ban Tổ chức Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” số 46 Tràng Thi- Hà Nội. Giải sẽ được công bố vào dịp kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/2018) gồm nhiều giải thưởng cho các loại hình báo chí. Giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng; giải A 15 triệu đồng, giải B 10 triệu đồng, giải C 5 triệu đồng và giải khuyến khích 3 triệu đồng. Theo Congluan.vn