Báo chí cần có một liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền

17:25 05/11/2020

Ngày 5/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” nhằm tạo ra cơ hội để các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và doanh nghiệp trao đổi, đề xuất tìm ra giải pháp cho vấn đề này, góp phần xây dựng và phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực, tôn trọng bản quyền.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo. Ảnh: Phan Thương

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì diễn đàn, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo toàn quốc.

Tại diễn đàn, nhiều tham luận của đại diện các cơ quan báo chí, trang tin điện tử đã được trình bày rất thiết thực, hữu ích, như tham luận về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động báo chí; Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, vì sao? bao giờ? Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí; Một số vi phạm bản quyền báo chí và gợi ý giải pháp…

Diễn đàn đã chỉ rõ, thực tế hiện nay ở nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam; Chưa có số liệu thống kê cụ thể về kết quả xử lý, chế tài vi phạm bản quyền báo chí; Hệ thống chế tài liên quan đến sở hữu trí tuệ có cả 3 cơ chế (dân sự, hình sự và hành chính) nhưng chưa rõ kết quả thực thi cụ thể tăng hay giảm trong những năm qua?...

Trong khi đó, đã và đang tồn tại thực trạng rất nhiều báo, trang tin điện tử, mạng xã hội… đã tự ý lấy tin, bài, sản phẩm của những đơn vị khác để đăng tải lại, phục vụ nhiều mục đích cho cá nhân và cơ quan, cũng như doanh nghiệp mình. Đơn cử, trong năm 2020, đã có rất nhiều báo, đài đã bị “lấy cắp” thông tin bài viết, hình ảnh lên đến hàng ngàn trường hợp, thậm chí có báo đến hơn 16.000 trường hợp.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá: “Thực trạng vi phạm bản quyền có một phần nguyên nhân từ lịch sử.Trước đây số lượng báo chí rất ít, chủ yếu là báo in. Phát thanh truyền hình chủ yếu là cơ quan nhà nước và được bao cấp gần như hoàn toàn. Vì thế, chúng ta quan niệm đã là báo chí thì được quyền chia sẻ thông tin của nhau. Ngoài ra, các loại hình báo điện tử, trang tin điện tử phát triển nhanh chóng, có những ứng dụng công nghệ giúp thực hiện việc sao chép một cách nhanh chóng. Và chính cơ quan báo chí cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bản quyền…”.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau thực hiện đúng quy định của pháp luật về cam kết bản quyền, sự tôn trọng về bản quyền. Ngoài “liên minh”, các cơ quan báo chí cần phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ, phát triển mạng xã hội… Mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi. Nhưng cho dù có “liên minh” này thì các cơ quan báo chí cũng phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước tiên. Các cơ quan báo chí cũng phải tự mình phát hiện, lưu vết và có báo cáo về trung tâm. Còn cách thức thực hiện như thế nào sẽ được trung tâm này hướng dẫn cụ thể.

Cục trưởng Cục báo chí, Bộ  truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước mà chúng tôi có được, năm 2018, đã có 900 triệu USD tiền quảng cáo của các nhãn hàng trong nước được chuyển cho Facebook và Google. Nền tảng Facebook và Google là độc quyền lưỡng cực, cho phép xâm phạm bản quyền báo chí, họ vẫn chạy quảng cáo trên các trang xâm phạm bản quyền. Báo chí, truyền thông cần công khai các vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Thành Lợi – Hội Nhà báo Việt Nam

Vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí được bán nhiều, có một thực trạng là các cơ quan báo chí lấy tin bài của nhau. Dù là một tác phẩm báo chí nhỏ thì cơ quan báo chí vẫn phải đầu tư nhưng hiện nay có quy định, tin tức thời sự, phản ánh thông thường không được bảo hộ bản quyền. Việc thành lập trung tâm bảo hộ bản quyền báo chí, vấn đề cũng đã được nêu lên trước đây. Vấn đề ai đứng ra, ai làm? Có một thực trạng, các cơ quan báo chí khi bị xâm phạm bản quyền ít lên tiếng, lên tiếng cũng không mạnh mẽ lắm. Khi thành lập liên minh rồi, phải truyền thông, việc vi phạm bản quyền chắc chắn sẽ được chấn chỉnh. Chúng ta nói rất nhiều về fake news (tin giả) nhưng hiện nay còn có báo chí nhái, trang tin hoạt động giống tờ báo, dân đọc những trang tin điện tử, có thông tin sai lệch, rất nguy hiểm. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Hội nhà báo Việt Nam hiện nay có xử lý vấn đề xâm phạm đạo đức nghề nghiệp. Người bị xâm phạm có đơn đề nghị hội đồng xử lý thì hội đồng sẽ xử lý. Cái khó hiện nay là chưa có bộ tiêu chí đánh giá, thế nào là vi phạm, vi phạm thế nào. Cục báo chí, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông có quy định rõ hơn

PV