Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)

00:00 12/10/2020

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 7/3 về kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tổng mức vốn ngân sách Trung ương cho giai đoạn này chỉ đáp ứng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, do cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn, nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư NSNN còn hạn chế. Trong khi đó số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn NSNN trong 5 năm tới. Ngoài ra, đối với các dự án của một số bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn ứng trước lớn. “Nếu trong kế hoạch trung dài hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước thì sẽ không còn nguồn để đối ứng các dự án khác (dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ…), thậm chí không còn nguồn để khởi công mới. Dự kiến trong 5 năm tới sẽ xử lý xong tình trạng nợ đọng, xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách Trung ương và thanh toán cơ bản số vốn ứng trước vốn kế hoạch quá lớn trong nhiều năm qua. Sau năm 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; ngân sách sẽ tập trung đầu tư chủ yếu cho các dự án lớn và nâng cao hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết, một số bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước hiện nay gồm có: Bộ GTVT, tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận… Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án cấp bách đã có ý kiến chỉ đạo đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, nhưng do tổng mức đầu tư quá lớn nên chưa cân đối được; đồng thời, vẫn chưa bố trí đủ vốn đối ứng cho các chương  trình dự án ODA trọng điểm. Đề xuất gấp 2,1 lần khả năng cân đối Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn NSNN trong giai đoạn này là 1.846.000 tỉ đồng. Trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư phát triển do các bộ, ngành, địa phương đề xuất khoảng 4.000.000 tỉ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn của NSNN. Nguyên tắc bố trí vốn dựa vào tổng mức vốn được quyết định, các bộ, ngành, địa phương phân bổ 90% cho các dự án. 10% còn lại dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh. Nguồn vốn NSNN sẽ được ưu tiên bố trí cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Kế đến ưu tiên các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng dự án ODA, vay ưu đãi, các dự án thực hiện theo đối tác công-tư… Tập trung nhiều vào dự án hạ tầng giao thông Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới sẽ tập trung vào nhiều dự án trọng điểm nhằm tăng thêm năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng. Cụ thể, trong thời gian này sẽ hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác tuyến Quốc lộ 1A Hà Nội-Cần Thơ, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội đến Cà Mau, Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên, tiếp tục đầu tư hoàn thành và khai thác cảng quốc tế Hải Phòng, khu bến cảng Cái Mép-Thị Vải, hoàn thành nạo vét tuyến luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu… Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sẽ tập trung nâng hiệu suất tưới của các hệ thống thủy lợi so với năng lực thiết kế từ 77,7% lên 80,5%, hiệu suất tiêu từ 89,3% lên 91%. Tỉ lệ diện tích canh tác cây hằng năm được tưới ổn định tăng từ 68,8% lên 91%, tiêu ổn định tăng từ 82,4% lên 85,5%. Số km đê thường xuyên được tu bổ, củng cố và nâng cấp tăng 220 km, số km đê biển được củng cố, kiên cố hóa tăng 517 km. Công suất cảng cá, bến cá tăng thêm là 540.000 tàu… Cùng với đó sẽ hoàn thành 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối tại Hà Nội và TPHCM. Đồng thời đầu tư cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ (chinhphu.vn)