Bán lẻ trước nguy cơ bị 'cá lớn nuốt chửng'

00:00 12/10/2020

Lo ngại 'cá lớn nuốt cá bé' một lần nữa được đặt ra với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được ví như 'thỏi nam châm' hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thỏi nam châm càng có lực hút kéo nhiều nhà đầu tư châu Âu rót vốn vào ngành này.

'Thỏi nam châm' hấp dẫn nhà đầu tư

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao.

nganh-ban-le-3547-1591746695.jpg

Dự báo nhiều doanh nghiệp bán lẻ châu Âu vào Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực (Ảnh: TL) 

Hơn nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020.

Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%....

Vì vậy, trong thời gian qua, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục "đổ" vào ngành bán lẻ Việt Nam.

Có thể nhận thấy trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới.

Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Vì vậy, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối sẽ là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cảnh báo, điều này sẽ dẫn dẫn tới cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ càng gay gắt hơn. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đứng trước nguy cơ dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp EU.

Theo Vụ Thị trường trong nước, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế. Nền kinh tế Việt Nam có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số đó có tới hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn, nghĩa là tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong bản lẻ là siêu nhỏ.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực hạn chế về vốn, hạ tầng kinh doanh cơ bản và công nghệ quản lý, chất lượng lao động và khả năng kết nối thị trường...

"Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Các doanh nghiệp lớn của nước ngoài liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới", Vụ Thị trường trong nước cảnh báo.

Doanh nghiệp chuẩn bị để đừng đánh mất mình?

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ, EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp EU vào Việt Nam đầu tư.

"Chúng tôi băn khoăn không biết với sức mạnh công nghệ, vốn... Có khi nào họ thâu tóm một số ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt chuẩn bị mình thế nào để đừng đánh mất mình", bà Thuận đặt vấn đề.

Tuy nhiên, trước lo ngại trên, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nêu quan điểm hội nhập là cuộc chơi bình đẳng. Sức ép thâu tóm sẽ giúp doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa "lớn" lên.

"Doanh nghiệp nếu chỉ lo sợ bị thâu tóm mà không đổi mới mình thì khó trụ vững được trong bối cảnh hội nhập mới. Ngoài tinh thần cầu thị, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thì mới thành công được", ông Thân nhìn nhận.

Quay trở lại câu chuyện ngành bán lẻ, nhìn ở góc độ tích cực, Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp cận các tiêu chuẩn cao hơn về hàng hóa trong nước cũng như tổ chức cung ứng những nguồn hàng chất lượng cao hơn được nhập khẩu từ các nước thành viên của EU.

Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có cơ hội tiếp cận các luồng vốn chất lượng cao đầu tư trực tiếp từ các nước vào hệ thống bán lẻ của Việt Nam, từ đó có thể nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, Nhà nước cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tháo gỡ những khó khăn về logictics hỗ trợ phát triển thương mại.

Xây dựng các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng trọng tâm vào việc tạo lập các “hàng rào kỹ thuật”, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa.

Quan trọng hơn, để hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mới do EVFTA mang lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến.

Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội. Thực hiện đa dạng hóa và phát triển bán lẻ đa kênh nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Lê Thúy