Bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ xung đột vũ trang

00:00 12/10/2020

Tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng nhất kể từ khi nước này thử hạt nhân vào năm 2006. Có những động thái tiềm ẩn khiến căng thẳng có thể tiếp diễn, nhưng có những lý do khiến Mỹ khó tấn công quân sự Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters) Sự khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Bắc Kinh hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên. Trước đó, ông Trump từng nói với tờ Financial Times rằng “nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng tôi sẽ làm”. Ngày 11/4, hãng tin Nhật Bản Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ đã thông báo với Nhật Bản về phương án tấn công Triều Tiên. Nguồn tin cho biết thêm rằng, những tuyên bố của Mỹ đã khiến chính phủ Nhật Bản nghiêng về khả năng Mỹ có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng. Theo giới phân tích được CNN dẫn lời, cuộc không kích mà Mỹ vừa tiến hành vào Syria có thể sẽ làm thay đổi thế cờ tại châu Á. Nó cũng cho thấy Tổng thống Trump đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo khó đoán định, không ngần ngại tấn công. Điều này không loại trừ với trường hợp Triều Tiên. Trong một động thái nhằm "nắn gân" Bình Nhưỡng, Mỹ đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson tiến về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, thay vì kế hoạch nhiệm vụ ban đầu là đến châu Đại Dương. Đây được xem là động thái phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ với Bình Nhưỡng và có thể khiến gia tăng nguy cơ dẫn đến xung đột. Nguy cơ này càng thấy rõ khi ngày 12/4 có tin lực lượng hải quân Nhật Bản lên kế hoạch tham gia cuộc diễn tập chung với nhóm tàu tấn công của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu. Truyền thông Triều Tiên một ngày trước đó cảnh báo sẽ tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, nếu Washington có bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Hiện các tàu chiến của Mỹ đang được bố trí trên vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và tàu sân bay Ronald Reagan cũng đang được bố trí tại cảng Yokosuka của Nhật Bản. Trong khi đó, Triều Tiên đang kỷ niệm sự kiện trọng đại: ngày 15/4 là kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của cố lãnh đạo Triều Tiên Nhật Thành; ngày 11/4 là ngày kỷ niệm tròn 5 năm nhà lãnh đạo Kim Jong-un được bầu làm Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên cũng là ngày Triều Tiên khai mạc Hội nghị Nhân dân tối cao; và ngày 13/4 là kỷ niệm tròn 5 năm ông Kim Jong-un được bầu làm Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng Triều Tiên. Các hãng tin quốc tế và khu vực như CNN, Reuters, Kyodo, KBS đều đưa tin về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành các động thái khiêu khích nhân những sự kiện chính trị quan trọng đó, Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn từ trang mạng 38 North chuyên nghiên cứu về Triều Tiên cho biết những bức ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri cuối tuần qua cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ 6. Liệu chiến tranh có bùng phát? Nhiều chuyên gia nhận định tình hình Triều Tiên khác hẳn với Syria và trên thực tế, việc mở một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên là kịch bản rất nguy hiểm và phức tạp, thậm chí không loại trừ dẫn đến thảm họa hạt nhân. Đây là những lý do chính khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải cân nhắc rất kỹ trước khi phát lệnh tấn công Triều Tiên. Thứ nhất, một cuộc chiến như vậy sẽ bị các nước trong khu vực phản đối quyết liệt. Hàn Quốc và Nhật Bản có lý do ngăn cản vụ tấn công của Mỹ: Hàn Quốc lo rằng những địa điểm đầu tiên hứng chịu hành động đáp trả của Bình Nhưỡng sẽ là hệ thống nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc và đẩy hai miền rơi vào cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai. Trong khi đó, Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 11/4 cho biết Tokyo không loại trừ nguy cơ tấn công hóa học từ Triều Tiên. Hai nước này đặc biệt lo ngại các đòn trả đũa từ Triều Tiên nhằm vào các mục tiêu đông dân vì Triều Tiên được cho là đã bố trí khoảng 200 tên lửa Rodong trên khắp lãnh thổ.

Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ tiến về khu vực bán đảo Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Thứ hai, Trung Quốc không muốn xuất hiện tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đây là điều rất rõ ràng. Trung Quốc không thể mạo hiểm trước nguy cơ phải hứng chịu làn sóng tị nạn ồ ạt đổ sang trong trường hợp xảy ra chiến tranh, gây ra những bất ổn kinh tế - xã hội trong nước. Trung Quốc cũng đang cho rằng căng thẳng leo thang là cái cớ Mỹ triển khai tại Hàn Quốc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vốn được coi là một mối đe dọa với Trung Quốc. Thứ ba, dù tuyên bố sẽ ủng hộ biện pháp quân sự để giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nhưng khả năng Mỹ sử dụng biện pháp này là rất thấp, vì Washington sẽ không có lý do mạo hiểm dấn thân vào một cuộc chiến tranh chắc chắn gây tổn thất nặng nề. Việc ông Donald Trump gia tăng sức ép vào thời điểm này là nhằm buộc Bình Nhưỡng phải dừng kế hoạch tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa hoặc hạt nhân nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn tại nước này. Tuệ An Tổng hợp