Bài toán tăng giá trị nông sản: Công nghệ là lời giải

00:00 12/10/2020

Đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng, giúp nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lào Cai

Nhân rộng mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 1.230 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó, có 282 ha rau, trên 105 ha hoa, 176 ha dược liệu, 124 ha cây ăn quả ôn đới, 60 ha sản xuất lúa giống và 483 ha chè. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng CNC đạt bình quân 230 triệu đồng/ha.

Ứng dụng KH&CN, nhất là CNC được xem là một trong những nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thời gian qua. Đây cũng là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung đầu tư ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp.

Theo thống kê của Bộ KH&CN năm 2017, mức độ tăng trưởng số lượng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp đạt 1,5 - 2% so với năm 2016, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp tiếp tục được gia tăng. Bên cạnh đó, đã giới thiệu, chuyển giao 105 công nghệ; xây dựng 85 mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất và 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ…

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch 22 khu nông nghiệp CNC. Bộ NN&PTNT đã công nhận 35 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và các địa phương công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC gồm: Vùng nuôi tôm thẻ tại huyện Kiên Lương (Kiên Giang); vùng sản xuất hoa Thái Phiên (Lâm Đồng); vùng sản xuất giống thủy sản xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu (Phú Yên).

Tập trung hỗ trợ

Hiện nay, ViệtNam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội có thể khai thác. Trước tình hình đó, để khuyến khích đầu tư KH&CN vào nông nghiệp, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành. Nổi bật nhất là việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai trong hệ thống ngân hàng thương mại gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch. Hay Nghị định 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết. Ngân sách cũng sẽ hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Nhằm giúp xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có sức cạnh tranh cao, Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ tại các vùng, địa phương và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Các hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được điều chỉnh cơ cấu theo hướng ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng CNC, sản xuất nông nghiệp sạch, kỹ thuật thâm canh tiên tiến để giảm chi phí đầu vào và giá trị gia tăng của sản phẩm, định hướng theo các đối tượng chủ lực gồm lúa gạo, nấm ăn và nấm dược liệu, cà phê, cá da trơn, tôm, sâm…

KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Quỳnh Nga