Bài báo không đăng về vụ sự cố nghiêm trọng ở ngành Than

00:00 12/10/2020

Đó là bài phóng sự điều tra về vụ rò khí xảy ra ngày 15/2/2012, tại Xí nghiệp than Cẩm Thành (nay thuộc công trường than của Công ty than Hạ Long – Tập đoàn TKV), khiến 40 công nhân bị nhiễm độc, suýt bỏ mạng. Dù sự cố không gây thiệt hại về người nhưng tính chất của nó đặc biệt nghiêm trọng. Bài điều tra rất công phu nhưng trong thời điểm đó chúng tôi không cho đăng báo vì sợ ảnh hưởng đến tư tưởng của công nhân và công tác chỉ đạo điều hành của Tập đoàn TKV. Nay, chúng tôi cũng không đăng lại bài báo này mà chỉ kể về quá trình điều tra nguyên nhân xảy ra vụ sự cố nhằm góp ý với công nhân cán bộ ngành Than về công tác đảm bảo an toàn trong khai thác than hầm lò.

Giáo sư-Tiến sỹ-Bác sỹ Vũ Đình Bằng, nguyên Giám đốc Viện quân y 108 kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ngộ độc. Lâu nay, trong khai thác than hầm lò, nguy cơ hàng đầu là bục nước và cháy nổ khí mê tan (CH4). Đã có nhiều vụ sự cố bục nước, nổ khí CH4 tại các công ty than của Tập đoàn TKV làm chết nhiều người, gây rúng động dư luận trong và ngoài nước. Khi cháy nổ khí CH4 phát sịnh ra khí độc, trong đó khí o xít các bon (CO) cực độc. Trong hầm lò, loại khí này còn xuất hiện ở những đường lò không được thông gió; hoặc tồn tại ở dạng “túi khí”. Các giếng nước bỏ hoang; khi đốt bếp than trong phòng kín; khí ga bị rò v.v. cũng phát sinh ra khí CO. Nếu ai  hít phải khí CO, với nồng độ nhỏ, trong môi trường yếm khí  có thể bị ngộ độc, gây tử vong. Vụ sự cố trên xảy ra trong khu vực khai thác hỗn hợp: Phía dưới là  hàng trăm công nhân Xí nghiệp than Cẩm Thành đang khai thác hầm lò và trên đầu họ máy móc, thiết bị của Công ty CP Tây Nam Đá Mài đang khai thác lộ thiên. Thời điểm xảy ra sự cố là sau khi Công ty CP Tây Nam Đá Mài vừa nổ mình xong; công nhân Than Cẩm Thành đang sản xuất thì bị trúng độc. Sau khi nhận tin báo của cộng tác viên, tôi cùng một đồng nghiệp xuống ngay Cẩm Phả, nhanh chóng tiếp cận hiện trường sau đó phỏng vấn các ông: Vũ Văn Điền, Giám đốc Công ty than Hạ Long; Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Xí nghiệp than Cẩm Thành và tiếp xúc các nạn nhân để nắm diễn biến vụ việc, tìm hiểu nguyên nhân xẩy ra sự cố. Toàn bộ số công nhân bị nhiễm độc lúc đó  đang được điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng Quảng Ninh (km 11, phường Quang Hanh, Cẩm Phả). Tại đây, chúng tôi còn được tiếp xúc, phỏng vấn các cán bộ y tế tham gia điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, trong đó có ông Vũ Đình Diện, Trạm trưởng, Trạm xá Xí nghiệp than Cẩm Thành; chị Trần Thị Kiều Oanh, Trạm phó – là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường cấp cứu nạn nhân.  Giáo sư-Tiến sỹ-Bác sỹ Vũ Đình Bằng, nguyên Giám đốc Viện quân y 108 – một trong những chuyên gia từ Hà Nội - cũng xuống trực tiếp khám, kiểm tra sức khỏe cho các bệnh nhân. Sau khi xẩy ra sự cố, nhiều luồng dư luận khác nhau về nguyên nhân rò khí: Khí độc phát sinh từ đâu? Tại sao trước khi vào lò, khí CO không được kiểm soát theo quy phạm an toàn?  Qua các nguồn tin  thu thập được, chúng tôi thấy đủ cơ sở để giải đáp: Nguyên nhân chính là các đơn vị liên quan không  chấp hành Chỉ thị của Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV trong phối hợp khai thác.  Cụ thể, đây là khu vực sản xuất hỗn hợp. Việc khai thác than ở mức trên (khai thác lộ thiên), đồng thời khai thác ở mức dưới (khai thác hầm lò) là rất nguy hiểm.  Để đảm bảo an toàn cho khu vực này, Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV đã  đã phê duyệt kế hoạch phối hợp sản xuất giữa 3 bên (Công ty CP. Tây Nam Đá Mài, Xí nghiệp than Cẩm Thành và đơn vị dịch vụ nổ mìn thuộc Tổng Công ty CN Hóa chất mỏ). Thế nhưng, 2 đơn vị khai thác đều không tuân thủ sự chỉ đạo của Tập đoàn TKV.  Các chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn, nhận định, do phối hợp sản xuất không chặt chẽ nên sau khi Công ty Tây Nam Đá Mài nổ mìn, gây chấn động, có thể làm túi khí bị vỡ, tràn ra đường lò, khiến 40 công nhân Xí nghiệp Than Cẩm Thành bị ngộ độc. Một vấn đề khác thể hiện việc chấp hành Chỉ thị của Tổng Giám đốc TKV không nghiêm đó là, trước đó, (ngày 24/3/2011), Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị hầm lò phải đầu tư đầu đo khí CO và các máy kiểm soát khí độc khác. Nhưng gần 1 năm sau, Công ty than Hạ Long vẫn không thực hiện. Do vậy, khi khí CO thoát ra, công nhân không phát hiện để đẫn đến hậu quả trên. Sau khi xẩy ra sự cố, Trung tâm Cấp cứu mỏ xuống đo. Tại khu vực xảy ra sự cố, nồng độ khí CO đo được vượt quá khoảng 20 lần so với nồng độ cho phép. …Ai cũng biết, nghề khai thác than hầm lò nặng nhọc, nguy hiểm. Tuy nhiên, qua theo dõi của chúng tôi, suốt mấy chục năm qua, chưa có vụ sự cố hầm lò  gây chết người nào  nguyên nhân từ yếu tố rủi ro mà là do công nhân, cán bộ chỉ huy sản xuất không tuân thủ các quy phạm an toàn và chỉ đạo của cấp trên trong khai thác than hầm lò. Lâu nay, Tập đoàn TKV đã không tiếc tiền của để đầu tư các phương tiện bảo hộ lao động, các thiết bị bảo vệ an toàn hiện đại cho công nhân làm việc trong hầm lò; không tiếc thời gian, công sức để tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ công nhân về kiến thức, kỹ năng sản xuất an toàn v.v. Nhưng tình trạng vi phạm quy phạm an toàn trong hầm lò vẫn diễn ra tràn lan mà sự cố trên chỉ là ví dụ.  (Bài đăng ở Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập số kỷ niệm 21/6/2015) Tác giả bài viết: Cao Thâm