Bắc Kạn: Quy hoạch treo 19 năm, hàng trăm hộ dân kêu cứu

00:00 12/10/2020

Trong vùng quy hoạch sẽ không thể xây dựng hay phát triển kinh tế hộ gia đình được, đồng nghĩa với việc người dân sống trong hoàn cảnh khổ cực trăm bề. Việc quy hoạch treo thường kéo dài cũng chỉ khoảng 10 năm, nhưng tại thành phố Bắc Kạn lại xuất hiện tình trạng rất hi hữu đó là có một khu dân cư đã quy hoạch treo tới 19 năm.

Khu dân cư nằm giữa các tổ dân phố 1b, 2 và 3 của phường Đức Xuân được quy hoạch từ năm 1997 với mục đích xây dựng hệ thống giao thông, phát triển khu dân cư. Quy hoạch đồng nghĩa với việc người dân không được xây dựng nhà và các công trình phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình.Vì vậy không có gì khó hiểu  sau gần 20 năm, khu vực này từ một khu dân cư sầm uất nhất nhì của thị xã Bắc lúc bấy giờ trở thành một khu “ô chuột” đúng nghĩa của TP Bắc Kạn hiện nay. Người dân sống trong sợ hãi ở những ngôi nhà mục nát. Để thấy hết được đời sống khổ cực người dân, phóng viên đã bỏ ra hơn 2h đồng hồ để đi bộ ở những ngõ, ngách, hẻm của khu vực này. Thấy rằng hầu hết những ngôi nhà ở đây đều là những căn nhà cấp 4, nhà đất, và những ngôi nhà tạm cũ nát được xây dựng những năm 80, 90 của Thế kỷ trước. Biết là nhà báo, bà cụ có tên là Cao Thị Vân (Chồng là Trịnh Phúc Cách) tại tổ 3, phường Đức Xuân đã mời vào nhà kể cho phóng viên nghe những bức xúc về cuộc sống khổ cực của gia đình mình. Ngôi nhà đất được làm từ đầu những năm 90, và sau 26 năm đã bị hư họng nặng. Nhìn qua cũng thấy từ cửa cho đến tường,trần nhà đã mục nát. Còn cột, kèo và mái đã bị mối ăn xông cả ra ngoài. Một phòng trong nhà đã bị sập mái xuống và may lúc đó không ai bị thương. Nhà đã siêu vẹo dựa và tường nhà hàng xóm và cũng không biết khi nào thì toàn bộ ngôi nhà sẽ đổ sập xuống. Bà Vân cho biết đã nhiều lần xin cấp phép để được xây dựng nhưng vì trong khi quy hoạch nên không được. Hầu hết những nhà được làm bằng gỗ, bằng đất đều trong tình trạng mục nát như nhà bà Vân. Còn những ngôi nhà xây cũng không khá hơn là mấy. Vào nhà ôngHà Đức Lỵ, ngôi nhà xây lợp ngói được xây dựng năm từ năm 1989 cũng xuống cấp nghiêm trọng.Ông Lỵ cho biết do thời điểm đó chỉ xây bằng vữa vôi cát chứ không có xi măng như bây giờ nên giờ nền, tường, mái nhà đều hỏng hết. Đã nhiều lần ông cùng với bà con nhân dân kiến nghị lên phường, lên thành phố và các cuộc tiếp xúc cử tri mong chính quyền trả lời cho nhân dân biết Nhà nước có lấy không, lấy như thế nào, rồi cắm mốc hoặc cắm đất cho người dân để ổn định đời sống nhưng không nhận được hồi âm. Ông cũng không hiểu vì sao quy hoạch treo ở khu vực này đã trải qua 6 thời chủ tịch tỉnh và 6 chủ tịch thành phố nhưng vẫn chưa giải quyết được. Cơ sở hạ tầng không được đầu tư.Khu quy hoạch này có khoảng 200 hộ dân đang sinh sống thuộc 3 tổ dân phố 1b, 2 và 3 của phường Đức Xuân. Đại đa số đang phải sống trong những ngôi nhà cũ kỹ, siêu vẹo không đảm bảo về an toàn. Đầu tiên phải nói về hệ thống giao thông ở khu vực này rất kém. Ngõ vào bắt đầu từ Xưởng trúc (Nhà máy giấy cũ) là con đường chính vào khu dân cư. Ô tô có thể đi vào khoảng được gần một nửa đường,khoảng 400m còn tiếp theo là đường nhỏ hẹp. Hàng chục ngách, hẻm nhỏ hẹp xe máy tránh nhau còn khó, thậm chí có những chỗ chỉ có thể đi bộ. Nhất là phần lớn khu vực này không được đầu tư đường thoát nước nên sau mỗi trận mưa luôn trở thành điểm nóng ngập úng. Người dân sống trong cảnh trật trội, khổ cực nhưng ở khu vực này có tới hàng Hecta đất của Nhà nước đang bị bỏ hoang gồm: đất thuôc Công ty May Bắc Kạn, toàn bộ Nhà máy giấy đã dừng hoạt động nhiều năm, và khu tập thể xưởng Trúc không còn sử dụng do xuống cấp. Những nơi này giờ được người dân tận dụng để vật liệu hoặc trồng rau.Rõ ràng việc quy hoạch treo đã và đang kìm hãm sự phát triển kinh tế, kéo đời sống của hàng trăm hộ dân ở khu quy hoạch treo này tụt lại so với mặt bằng trung của TP Bắc Kạn rất xa. Việc quy hoạch treo suốt 19 năm đang là một dấu hỏi lớn cho chính quyền địa phương. Văn Toán/tamnhin.net