ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: Như Ý
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: Như Ý
Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016. Tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phản ánh những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Nhân cho biết, hiện có tới 3 bộ cùng chịu trách nhiệm quản lý chất lượng bún. Cụ thể,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về chất lượng bột gạo, nguyên liệu làm bún. Bộ Công thương quản lý sản phẩm tinh bột. Còn Bộ Y tế quản lý sản phẩm bún bán trên thị trường nếu chứa chất tinopal gây hậu quả cho người tiêu dùng. Về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng đề nghị không nên để 3 bộ cùng quản lý mà nên thu về một đầu mối duy nhất. "Việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm chưa được 20% là quá ít, chưa đảm bảo tính răn đe, Chính phủ cần xử lý quyết liệt hơn", bà Yến nêu. Về số lượng vi phạm, đại biểu Nhân cho rằng "những gì chúng ta biết và xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng trôi", trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Theo ông Nhân, hàng năm nước ta đang bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khoảng 100.000 thuốc bảo vệ thực vật với hơn 4.000 loại loại khác nhau, trong đó 90% từ Trung Quốc, nhưng tại chính quốc gia này chỉ đang cho lưu hành 630 loại thuốc. "Mỗi năm có trên 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca mắc mới. Trong đó có một phần nguyên nhân từ thực phẩm không an toàn”, đại biểu Nhân trăn trở. Lập đường dây nóng về an toàn thực phẩm? Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), trong giai đoạn vừa qua, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) còn nhiều hạn chế, trong đó việc thực hiện quản lý còn cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, dẫn đến thực phẩm không an toàn, người dân chịu hậu quả. Ông Nguyễn Hoàng Mai đề nghị cần thiết lập hệ thống đường dây nóng dễ nhớ như 113,115 để người dân gọi báo vi phạm an toàn thực phẩm. Cùng quan điểm, Hồ Thanh Bình (An Giang) cũng cho rằng, cần thay đổi tư duy trong quản lý. Hiện Việt Nam sử dụng luật và các văn bản hỗ trợ để quản lý lĩnh vực ATPP nhưng thực tế có quá nhiều văn bản, dẫn tới chồng chéo, vấn đề xảy ra rồi mới tìm cách xử lý. (Theo Luân Dũng - Tienphong.vn)