ASEAN quan trọng thế nào trong thế kỷ 21?

00:00 12/10/2020

Chiến lược của Mỹ và tham vọng của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 rất khó thành hiện thực nếu như thiếu cái "gật đầu" của ASEAN.

Nếu muốn tìm một mô hình nào giống với Liên minh châu Âu (EU) trên thế giới, thì đó chính là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đây cũng là một liên minh toàn diện bao gồm: kinh tế, văn hóa, xã hội…

Xét về tầm ảnh hưởng, ASEAN chưa bằng các khu vực khác, thậm chí vẫn còn những nền kinh tế kém phát triển, có mặt bị lạc hậu. Nhưng cục diện thế giới mới biến ASEAN thành khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong thế kỷ này.

Bắt nguồn từ con đường hàng hải quốc tế chạy qua Biển Đông có dính líu đến hầu hết các nước trong khối nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á.

Hơn 90% khối lượng vận tải hàng hóa thương mại trên thế giới được thực hiện bằng đường biển, trong đó có 1/2 đi qua Biển Đông, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,Singapore... sống nhờ tuyến đường biển này.

Biển Đông trở nên quan trọng trong thế kỷ 21

Xét về an ninh, quốc phòng, Biển Đông là tuyến phòng thủ hướng Đông của nhiều nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với toàn khối.

Vai trò của ASEAN tỷ lệ thuận với…sự lớn mạnh của Trung Quốc; nói dễ hiểu hơn, một khi Trung Quốc bành trướng ra thế giới về mọi mặt thì ASEAN đóng vai trò chốt chặn.

Lịch sử Trung Quốc hầu hết chứng kiến những cuộc viễn chinh xuống phía Nam, ra vùng biển rộng 3,5 triệu km2, dồi dào tài nguyên. Thế kỷ 21 sẽ tiếp tục thấy rõ tham vọng của Bắc Kinh về biển.

Điều đó có nghĩa việc bá chủ thế giới theo con đường Bắc chinh không có lợi cho Trung Quốc. Bên trên là Mông Cổ, Nga rộng lớn và khắc nghiệt, phía Tây lại đụng các quốc gia Tây Á vốn phức tạp về tôn giáo, sắc tộc - là địa bàn đầy lợi ích của Mỹ và NATO.

“Vành đai và con đường” trên nền “con đường tơ lụa” huyền thoại vắt qua Tây Á đến Nga và châu Âu bị phản ứng dữ dội, chưa có gì đảm bảo hàng trăm tỷ USD mà Bắc Kinh đổ ra sẽ thành công.

Vì vậy tiến xuống phía Nam thông qua các nước ASEAN là hợp lý hơn cả, khu vực có nhiều nền kinh tế nhỏ, đường biên giới dễ bị “đả thông” bởi nguồn tiền “nhiều như nước sông Hoàng Hà” từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc phụ thuộc vào thái độ của ASEAN. Từng thấy Bắc Kinh bối rối như thế nào khi Philippines nộp đơn kiện lên Tòa quốc tề về tranh chấp lãnh thổ. Nhưng cuối cùng mọi chuyện “êm thấm”, ngày 9/11 vừa qua ông Tập đến Manila để “bàn kinh tế, tránh tranh chấp Biển Đông” với Tổng thống Phillippines Duterte.

Một quốc gia khác trong ASEAN có đường biên giới đất liền với Trung Quốc là Myanmar thường xuyên được Bắc Kinh “vỗ về” và cam kết “hỗ trợ tiến trình hòa bình”… Trung Quốc có mặt khắp ASEAN với tư cách là nhà đầu tư, với số vốn ước tính khoảng 10 tỷ USD.

Tầm quan trọng của ASEAN còn có nguyên nhân từ Mỹ. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, thuật ngữ “xoay trục châu Á” ra đời để cân bằng sức mạnh ở Châu lục này - mục đích không nằm ngoài kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy.

Đến khi Donald Trump lên nắm quyền bắt đầu khởi động “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Hai đời Tổng thống liên tiếp, hai tên gọi, hai phương pháp cho một chiến lược, cùng một mục đích là hướng về châu Á.

Các trụ cột của “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương đều là những “gã khổng lồ”. Nhìn trên bản đồ có thể thấy Ấn Độ án ngữ phía Nam, Nhật Bản ở Đông Bắc và Australia nằm sát ngay cực Đông - Nam ASEAN.

Dĩ nhiên, Tầm nhìn này không nằm ngoài Biển Đông và canh chừng Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh mở được “cánh cửa” Philippines, thì đường ra biển lớn mới được khai thông, nhưng Manila chưa thể dứt ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

“Tầm nhìn” của Mỹ và đồng minh không mấy tác dụng nếu không có sự ủng hộ của các nước ASEAN. Cụ thể, lực lượng hải quân Mỹ khó tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc đại lục nếu như không có những quân cảng ở Philippines, Đài Loan, trong đó Việt Nam có một quân cảng cực kỳ quan trọng là Cam Ranh.

Thương mại quốc tế sẽ gặp rắc rối nếu như Biển Đông bị độc chiếm, hành động bồi đắp đảo nhân tạo và khả năng thành lập khu vực “nhận dạng phòng không” trên vùng biển này của Bắc Kinh không thể không mang ý đồ.

ASEAN ngày nay chính là địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, bên nào có mối quan hệ tốt hơn, sẽ giành phần thắng trên Biển Đông. Nếu thế chiến thứ 3 xảy ra, bên nào kiểm soát được Biển Đông, sẽ tránh được thiệt hại.