Asanzo và chuyện “sĩ diện của thương hiệu”

00:00 12/10/2020

Nội hàm khái niệm “Thương hiệu" còn là nơi kết tinh trí tuệ, tinh thần, bản sắc văn hóa, hiện thân của nỗ lực vươn lên theo khát vọng hùng cường - đó là sĩ diện!

Gần bốn thập kỷ kể từ ngày MỞ CỬA người Việt luôn khát khao dựng xây cho riêng mình một thương hiệu do chính chúng ta làm chủ - đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tri thức.

Cứ mỗi khi Apple ra sản phẩm mới, người ta mua về và “mổ” ra soi, đã qua 11 thế hệ sản phẩm nhưng chưa ai phát hiện điều gì bất thường - mặc dù nó được cấu thành từ hàng ngàn linh kiện đến từ 200 nhà cung cấp khắp nơi trên trái đất.

Nhiều năm nay, khi nói về hãng điện tử Asanzo người ta luôn nghĩ rằng đó là một thương hiệu của Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo ra và làm chủ. Nhưng niềm tin ấy xói lở nghiêm trọng khi nhiều tờ báo thông tin việc phát hiện ra rằng, chiếc tivi do hãng này sản xuất là hàng Trung Quốc “đội lốt”.

Câu chuyện về thương hiệu Asanzo đang rất “nóng” trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, từ một phóng sự điều tra cho thấy Asanzo có dấu hiệu không trung thực với khách hàng.

Điều quan trong nhất bây giờ không phải là tìm xem thử Asanzo là hàng Việt Nam hay Trung Quốc, mà cái cần nhất là sự trong sáng, chân thành của những người được xem là doanh nhân tiên phong của đất nước trong thời đại số.

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo thừa nhận “70% linh kiện lắp ráp chiếc tivi Asanzo được nhập từ Trung Quốc, điều này không có gì mới”. Nhưng khúc mắc ở chỗ làm sao có dòng chữ “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trên mỗi sản phẩm và danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn”?

Người đứng đầu Asanzo lý giải thêm rằng, cụm từ “Made in China” là tem dán trên mỗi linh kiện, còn sau khi lắp ráp xong thì dán nhãn “Made in Viet Nam”. Cũng khá khó hiểu với cách lý giải này - đơn giản thôi - tập hợp của những con tôm - dù sao đi nữa cũng không thể biến thành rồng!

Hãy lật chiếc Iphone xem mặt sau của nó, có hai dòng chữ có chức năng phân định chủ quyền sản phẩm: “Designed by Apple in California - thiết kế bởi Apple” và “Assembled in China - lắp ráp tại Trung Quốc”.

Iphone do người Mỹ thiết kế, nắm bản quyền sở hữu trí tuệ, cả những cấu kiện quan trọng như con chip, phần mềm…, nhưng được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc nên mới có dòng chữ “Assembled in China”.

Với 70% linh kiện tivi Asanzo mua từ Trung Quốc, nên thành thật phải ghi là “Lắp ráp tại Việt Nam - Assembled in Viet Nam”. Bởi thế, rất khó để nói rằng một sản phẩm phải mua hầu hết linh kiện về lắp ráp và nói đó là hàng Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và làm chủ.

Trong bối cảnh phân công lao động dữ dội trong 100 năm trở lại đây, nhiều tổ chức quốc tế, các Hiệp định thương mại đều có cách phân định thế nào là thương hiệu thuộc về quốc gia nào đó, thậm chí tính toán cụ thể chi tiết đến bao nhiêu phân trăm linh kiện, xuất xứ.

Việt Nam cũng quy định rất rõ các nguyên tắc xuất xứ hàng hóa (CO), căn cứ vào các tiêu chí “cứng” như: Tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa; Tiêu chí tỷ lệ phần trăm của giá trị; Tiêu chí công đoạn gia công, chế biến hàng hóa”…

Xu thế toàn cầu hóa, không cho phép nước nào có thể biệt lập khép kín để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh - đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tri thức. Điều đó phụ thuộc vào vùng nguyên liệu, đặc điểm lao động, trình độ phát triển của mỗi nước.

Sở dĩ, người ta đưa ra các tiêu chí phân biệt cũng chỉ để làm cơ sở giải quyết tranh chấp bản quyền, sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn cầu. Nhưng nội hàm khái niệm “Thương hiệu quốc gia” còn có nhiều ý nghĩa hơn thế - là nơi kết tinh trí tuệ, tinh thần, bản sắc văn hóa, hiện thân của nỗ lực vươn lên theo khát vọng hùng cường - đó là sĩ diện của thương hiệu.

Thế cho nên, ở một phương diện khác, nếu coi đó là sản phẩm của mình thì chính mình phải làm chủ được công nghệ, đủ trình độ nghiên cứu, ứng dụng và chế tạo ra - nếu không phải toàn bộ thì chí ít cũng phải làm chủ những thứ cốt lõi nhất.

Những thương hiệu lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ hiện nay đều xuất phát bằng con đường như thế. Ví dụ, Nhật Bản tự nghiên cứu, ứng dụng và chế tạo được động cơ đốt trong, làm chủ chu trình điều chế chất bán dẫn, luyện kim màu, công nghệ cán, dập nguội (CNC) nên chiếc xe hơi Toyota hay Honda là kết quả không thể bàn cãi.

Sau này, do xu thế toàn cầu hóa, phân công lao động và lợi thế cạnh tranh nên Nhật Bản có thể không cần sản xuất 100% linh kiện cho một chiếc xe hơi, họ đặt hàng các công ty phụ trợ, gia công mang về lắp ráp. Nhưng họ vẫn nắm trái tim sản phẩm, nó thuộc về bí quyết công nghệ không ai chiếm hữu được.

Khoảng một thập kỷ trở lại đây, người Việt bắt đầu đẩy mạnh giấc mơ kinh tế tri thức, cố gắng xây dựng cho mình một vài thương hiệu điện tử, xe hơi… trọng trách này đặt lên đôi vai chính phủ và những tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực, khát khao.

Nhưng “địa chính trị - kinh tế” đặt Việt Nam vào thế vừa dễ vừa khó. Đó là tọa lạc sát Trung Quốc - trung tâm cung cấp linh kiện điện tử, xe cộ rẻ và phong phú nhất thế giới.

Nếu muốn “ăn xổi” chỉ cần nhập linh kiện, qua vài bước chế tác không mấy phức tạp là có thể tạo ra sản phẩm “cho riêng mình”, đó là điểm thuận lợi do ở sát nách “công xưởng thế giới”. Nhưng tranh cãi cũng xuất phát từ đó. Liệu có phải là hàng Việt Nam?

Về mặt phương pháp, không một quốc gia nào gây dựng được thương hiệu kinh tế tri thức trên nền khoa học, kỹ thuật nghèo nàn, công nghệ lạc hậu. Nói cách khác, tất cả những thương hiệu lớn, giàu chất xám chỉ xuất phát từ các quốc gia giàu tiềm lực công nghệ, kỹ thuật.

Thương hiệu quốc gia, dân tộc không phải là thứ đi vay mượn, lắp ráp tạo ra một sản phẩm ô hợp. Doanh nghiệp không còn cách nào khác phải tự mình nghiên cứu, sáng tạo rồi ứng dụng và chế tạo. Nếu không cần chế tạo, vẫn có thể đặt hàng gia công, tuy nhiên chính chúng ta phải đủ khả năng làm được thứ mà chúng ta nhập về.

Thương hiệu phải thể hiện được bản lĩnh, công sức, chất xám của người Việt mới xứng đáng gọi là “Thương hiệu Việt” và nó phải dựa vào nền tảng khoa học, công nghệ quốc gia.

Để làm sao, khi nhìn chiếc tivi hay điện thoại có dòng chữ “Made in Viet Nam” người ta có thể chứng nghiệm được mức độ phát triển của người Việt đang ở đâu, chứ không phải là tranh cãi, nghi ngờ!

Người Việt có gì trong mỗi sản phẩm Asanzo?

Tags: