Ám ảnh Mà Sa Phìn

00:00 12/10/2020

 Mà Sa Phìn - tiếng Quan Hỏa, dịch ra có nghĩa là “bãi cỏ gianh bằng phẳng”, vậy mà lại là thôn nằm cheo leo trên đỉnh núi cao và xa nhất xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn. Nơi đây từng gắn với những câu chuyện rừng rợn về bãi vàng với những “bưởng vàng tặc” khét tiếng, nhưng điều khiến chúng tôi day dứt mãi là câu chuyện về cuộc sống của những hộ người Mông nghèo trên đỉnh núi này.

Xơ xác bản Mông

Tại trụ sở UBND xã Nậm Xây, ông Triệu Nguyên Hương, Phó Chủ tịch UBND xã nhìn chúng tôi ái ngại: “Các chú muốn lên Mà Sa Phìn à? Từ đây lên đến thôn mất 15 km đường đất đấy, cứng tay lái và quen đường thì đi xe máy hơn một tiếng đồng hồ. Mà Sa Phìn là thôn xa nhất của huyện Văn Bàn, nằm trên thượng nguồn suối Nậm Xây Luông, một mặt giáp huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), một mặt giáp huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn lắm”.

Chúng tôi theo chân anh Phà A Tỉu, Bí thư Đoàn xã Nậm Xây, nguyên là Phó Trưởng công an xã Nậm Xây ngược dốc lên Mà Sa Phìn, vượt qua Nà Hàm, Nậm Van, Nà Đoong, Phiêng Đoóng, Giàng Dúa Chải, Phù Lá Ngài, Phìn Hồ. Những cái tên nghe lạ lẫm và hoang hoải như chính vùng đất này. Từ lâu, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về Mà Sa Phìn, nhưng không nghĩ có ngày mình lại đặt chân tới đây, nơi được mệnh danh là “rốn vàng” của Văn Bàn, “thủ phủ” của “vàng tặc”.

Một góc thôn Mà Sa Phìn.

Người đầu tiên chúng tôi gặp ở Mà Sa Phìn là “u” Xuân (theo cách gọi của A Tỉu), một phụ nữ có nước da ngăm đen, gần 60 tuổi, nhưng dáng người khỏe khoắn, giọng sang sảng như đàn ông. Bà Cù Thị Xuân hiện là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Xây, sinh sống trên đỉnh Mà Sa Phìn từ lâu, cũng là người nắm rõ vùng đất này như trong lòng bàn tay. Nghe hỏi về những khó khăn của thôn, bà Xuân bảo: “Mà Sa Phìn có 44 hộ dân, trong đó 75% là hộ nghèo. Cách đây một tháng có trận lốc xoáy, làm hàng chục nhà dân ở hai thôn Mà Sa Phìn và Phìn Hồ bị hư hỏng, tốc mái. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, mỗi hộ bị tốc mái nhà được hỗ trợ 60 tấm lợp fibro xi măng. Nhưng đường đi khó quá, bà con chưa chuyển tấm lợp lên được, vẫn xếp đống ở trụ sở UBND xã. Trên này, người dân trồng được nhiều đào, trong rừng có cả táo mèo, nhưng để chín rụng hết, vì đường khó, không mang đi bán được. Lúa, ngô cũng vậy”.

Trong câu chuyện với bà Xuân và anh Phà A Tỉu, chúng tôi lặng người khi biết xã Nậm Xây có hơn 50 người nghiện ma túy, thì tập trung chủ yếu ở Mà Sa Phìn, Phìn Hồ, Phù Lá Ngài. Từ khi “cơn lốc” vàng kéo đến đây, những người đàn ông ở các thôn, bản mang theo khát vọng đổi đời vào bãi vàng, người trở thành phu đào vàng cho các “bưởng vàng tặc”, người gùi hàng thuê vào bãi kiếm tiền; thế rồi kẻ mãi mãi ở lại trong rừng, kẻ trở về thành “con” nghiện heroin, thân tàn ma dại. Mà Sa Phìn đã nghèo, vì thế lại xác xơ hơn, lúc nào cũng u tịch như một vùng đất “chết”.

Chúng tôi đi thăm bản Mông dưới chân núi Mà Sa Phìn. Trước mắt là những ngôi nhà xập xệ, nhiều nhà bị tốc mái đến giờ vẫn phủ bạt dứa xanh, nhìn tả tơi, xơ xác. Căn lều nằm giữa nương ngô bé như cái lều vịt, mái phủ bạt xanh là nơi ở của chị Giàng Thị Sia. Chồng chết, chị Sia phải oằn lưng nuôi 3 con nhỏ mồ côi. Cách nhà chị Sia không xa là nhà của chị Vàng Thị Me, có chồng là Giàng A Dũng cũng chết cách đây 1 năm. Giờ đây, chị Me phải một mình tần tảo rau cháo nuôi 4 con nhỏ ăn học. Rồi cảnh ngộ của anh Giàng A Pái bị khuyết tật, vợ chết, một mình nuôi con gái nhỏ bị mù lòa; chuyện ông Giàng A Trầu, chân đau, mắt mờ, một mình nuôi con trai mồ côi mẹ… Chỉ nghe thôi chúng tôi đã nhói đau trong lồng ngực, khi gặp thì không cầm được nước mắt.

Ước mơ ngôi trường mới

Ở Mà Sa Phìn, giữa lòng chảo xác xơ, có một ngôi nhà từ bao năm nay vẫn thắp sáng niềm tin và ước mơ vào tương lai phía trước cho những đứa trẻ, những gia đình người Mông nghèo khó. Đó là Trường Tiểu học số 2 Nậm Xây.

Nếu không có chiếc biển trường màu xanh và lá cờ đỏ phấp phới sau tán cây, thì có lẽ chúng tôi cũng không nhận ra đó là ngôi trường tiểu học, vì tất cả chỉ là mấy dãy nhà mái lợp tôn đỏ, tường lịa ván gỗ, chẳng khác gì nhà dân.

Thầy Lê Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, người đã có 19 năm dạy học, trong đó 7 năm gắn bó với Mà Sa Phìn cho biết: Trường Tiểu học số 2 Nậm Xây có 199 học sinh, trong đó điểm trường chính ở thôn Mà Sa Phìn có 5 lớp với 106 học sinh, ngoài ra còn 8 lớp nằm ở 2 phân hiệu là Giàng Dúa Chải và Phù Lá Ngài. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, thì điều làm các thầy, cô giáo trăn trở nhất là đa số học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có tới 16 học sinh mồ côi. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất đáng thương. Mùa đông trên này rét lắm, lúc nào cũng chìm trong sương mù, mà nhiều học sinh chỉ có manh áo mỏng không đủ ấm, khăn, mũ, giầy dép cũng cũ rách. Những hôm trời mưa gió, đường trơn, các em phải vượt dốc, lội suối đến lớp rất vất vả.

Trong số 19 thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học số 2 Nậm Xây, cô giáo Hà Thị Thiểu, 32 tuổi, là người “cắm bản” lâu nhất. Từ năm 2008, cô Thiệu là 1 trong 3 cô giáo đầu tiên xung phong lên Mà Sa Phìn công tác. Giờ đây, một cô giáo đã chuyển về Bảo Thắng, một cô giáo chuyển về xã Nậm Dạng, còn cô Thiểu vẫn bám trụ với bản Mông này. Dạy học trên núi đã bộn bề vất vả, nhưng vì thương con nhỏ, nên cứ cuối tuần cô lại lặn lội về tận huyện Bảo Yên thăm chồng và con út 3 tuổi, rồi lại lên huyện Văn Bàn thăm con lớn 10 tuổi đang ở với ông bà ngoại. Ăn được bữa cơm vội vã, chiều chủ nhật cô lại tất bật ngược dốc lên núi với học sinh. Cô Thiểu cũng không nhớ mình đã ngã xe bao nhiêu lần trên quãng đường trơn trượt lên Mà Sa Phìn, ngã rồi lại dậy, có lần phát khóc giữa rừng núi mênh mông, gạt nước mắt lẫn nước mưa, dựng xe, đi tiếp… Cứ như vậy, đã gần 8 năm rồi.

Khi được hỏi nguyện vọng của cô là gì, chúng tôi cứ nghĩ cô Thiểu sẽ mong ước một điều gì đó cho bản thân, nhưng cô Thiểu bảo, mong muốn lớn nhất là tuyến đường lên Mà Sa Phìn được đổ bê tông, trường học được xây dựng khang trang, để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, không bị rét vì mưa lạnh, sương mù. Cô còn có một điều ước, đó là mỗi phân hiệu có một chiếc tủ lạnh để dự trữ thức ăn, có bình lọc nước để các em học sinh có nước sạch uống hằng ngày. Ở đây, ngày mưa nước từ khe núi chảy xuống đục ngầu, lọc mấy cũng không hết cặn và mùi tanh. Chỉ lo những chất độc từ bãi vàng trên núi ngấm xuống lòng đất, ngấm vào nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh. Nguyện vọng của cô giáo Thiểu là vậy, chỉ đơn giản vậy thôi.

Tâm nguyện của cô giáo Thiểu cứ khiến chúng tôi suy nghĩ suốt chặng đường về. Đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Mà Sa Phìn còn nghèo khó, điều kiện học tập của các em học sinh ở đây còn khó khăn như thế, vậy làm thế nào giúp người dân thoát nghèo, có tương lai tươi sáng hơn? Ông Triệu Nguyên Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Xây bảo: Đây cũng chính là nỗi trăn trở của địa phương. Giải pháp chính vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống ngô, lúa năng suất cao vào sản xuất; hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng nương, nhà cửa, vào bãi vàng mót “sái vàng”; quản lý tốt các đối tượng nghiện và tích cực tuyên truyền để họ điều trị nghiện bằng thuốc methadone…

Chia tay Nậm Xây, chúng tôi nhìn đống tấm lợp được Nhà nước hỗ trợ cho các hộ dân sau đợt lốc xoáy một tháng vẫn nằm ở sân trụ sở UBND xã, chưa lên được đến Mà Sa Phìn, nghĩ đến những ngôi nhà tơi tả bạt xanh, lòng tự hỏi không biết đến bao giờ Mà Sa Phìn mới hết hộ nghèo?

THANH NAM - TUẤN NGỌC/ báo Lào Cai