Airbnb - nền tảng đặt phòng lớn nhất tại Mỹ đang bốc hơi

00:00 12/10/2020

Airbnb - nền tảng đặt phòng và căn hộ lớn nhất tại Mỹ - đang đối mặt với nhiều vấn đề khi ngành du lịch bị đóng băng bởi dịch bệnh.

CEO của Airbnb dường như vẫn giữ được sự lạc quan khi có động thái trấn an nhân viên trong cuộc họp thường niên tháng 3 vừa qua.

Thực tế, tương lai của công ty đang trở nên bất định hơn bao giờ hết khi mất đi nguồn thu chủ lực từ giao dịch cho thuê phòng và căn hộ, trong khi việc thay đổi chính sách hủy đặt phòng đã khiến nội bộ công ty chia rẽ và làm rạn nứt mối quan hệ với các host (người cho thuê phòng, căn hộ).

Doanh thu “bốc hơi” nhưng chi phí hoạt động vẫn không giảm

AirBnB được dự đoán sẽ mất một tỷ USD trong nửa đầu 2020 khi ngành du lịch toàn cầu ngưng trệ.

Khi dịch bệnh tấn công vào Trung Quốc và châu Âu, lượt đặt phòng trên Airbnb đã giảm mạnh. Tại Bắc Kinh, chỉ có hơn 1.600 lượt đặt phòng được thực hiện từ 1-7/3, giảm 96% so với ngày 5-11/1.

Cuối tháng 3, lượt đặt phòng của Airbnb trên cả nước Mỹ đã giảm 80% so với đầu tháng, từ khoảng 500.000 lượt một tuần xuống còn 100.000 lượt, theo AirDNA - một nền tảng phân tích thị trường cho thuê phòng ngắn hạn.

Airbnb dang boc hoi hinh anh 1 im_173990_1__1.jpeg

Lượt đặt phòng tại Airbnb giảm mạnh khi du lịch bị đóng băng. Nguồn: Getty Images.

Vào thứ hai tuần trước, Airbnb cho biết đã huy động một tỷ USD từ công ty tư nhân Silver Lake và Six Street Partners để bổ sung vào nguồn tài chính. Số tiền “cứu trợ” này được cấp cho Airbnb dưới hình thức vay nợ với lãi suất trên 10%, theo Wall Street Journal. Airbnb vẫn đang cân nhắc kế hoạch huy động thêm một tỷ USD nữa.

Hội đồng quản trị của công ty cùng các nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về những gì có thể xảy ra nếu đại dịch tiếp tục kéo dài và doanh thu của công ty không thể tăng trở lại vào nửa cuối năm nay.

Định giá của Airbnb đã hạ từ 150 USD/cổ phiếu xuống còn dưới 90 USD/cổ phiếu, khiến giá trị công ty chỉ còn khoảng 30 tỷ USD.

Airbnb đã có thể lên sàn chứng khoán năm 2018 với giá trị ước tính khi đó khoảng 50-70 tỷ USD, đại điện của một ngân hàng cho biết. Kế hoạch này theo dự tính đã có thể bắt đầu sinh lời vào năm nay. Tuy nhiên, ông Chesky và 2 nhà đồng sáng lập - Joe Gebbia và Nate Blecharczyk - đã quyết định không làm như vậy vì họ tin Airbnb sẽ còn phát triển hơn nữa.

Hiện tại, dựa trên các tài liệu từ phía công ty, Airbnb đã mất 674 triệu USD vào năm ngoái khi các chi phí tăng lên. Cụ thể, tổng chi phí của công ty đã tăng từ 2,6 tỷ USD năm 2017 đến 5,3 tỷ USD vào năm ngoái. Theo một bản sao của báo cáo tài chính công ty, chỉ số này vượt quá mức tăng 85% doanh thu từ 2,6-4,8 tỷ USD trong cùng một khoảng thời gian.

Chi phí quản lý đã tăng 113% từ 2017-2019. Đây là kết quả của việc thuê hàng nghìn nhân viên và xây dựng trụ sở công ty tại một khu cao cấp ở San Francisco có tên gọi SOMA, hay South of Market. Các chi phí cho vấn đề an toàn cũng tăng lên khi Airbnb gặp rắc rồi về tội phạm trên nền tảng của họ, theo Wall Street Journal.

Airbnb dang boc hoi hinh anh 2 im_173987_1__1.jpeg

Trụ sở Airbnb ở San Francisco. Ảnh: Reuters

Hiện tại, AirBnB vẫn chưa có tuyên bố chính thức về kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán nhưng nhiều nhà đầu tư dự đoán khả năng đó sẽ khó diễn ra vào năm nay.

Tuy nhiên vào tháng 3, khi đại dịch bắt đầu tràn qua Mỹ và tàn phá châu Âu, ông Chesky tuyên bố với các nhân viên kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán vẫn diễn ra vào năm nay.

Mối quan hệ “tay ba” căng thẳng

Trong khi đó, vấn đề liên quan đến chính sách hủy phòng đang làm rạn nứt mối quan hệ giữa công ty với các chủ hộ cũng như khách đặt phòng.

Khách hàng khắp nơi trên thế giới bắt đầu hủy phòng khi các lệnh siết chặt du lịch được ban hành. Ở College Station, Texas, Alexia Hernandez đã phải hủy phòng ở Airbnb mà cô đặt hồi giữa tháng 3 cho chuyến đi 4 ngày đến Malaga, Tây Ban Nha vào tháng 5.

Chủ phòng không chấp nhận việc hoàn trả toàn bộ phí mà đề nghị chỉ trả 50% bởi theo anh, đến lúc đó cô có thể an tâm đi du lịch được rồi.

“Không thể nào nói là an toàn nếu tôi đi du lịch Tây Ban Nha”, Hernandez cho biết. Cô cũng thử hủy phòng thông qua một cổng thông tin trực tuyến được tạo bởi Airbnb nhưng chủ phòng vẫn không chấp nhận. Airbnb sau cùng đã hoàn trả đầy đủ số tiền cho Hernandez khi cô bày tỏ sự thất vọng lên Twitter.

Sau khi có nhiều khiếu nại về các sự việc tương tự, ông Chesky đã thông qua kế hoạch bồi hoàn cho khách đặt phòng tới giữa tháng 5. Chính sách mới của Airbnb sẽ hoàn tiền cho bất cứ ai đặt phòng trước hoặc trong ngày 14/3, với ngày nhận phòng từ 14/3- 31/5.

Tuy nhiên, Chesky không có bất kỳ thông báo nào với hội đồng quản trị trước khi đưa ra quyết định trên. Một số người cảm thấy bị qua mặt và cho rằng quyết định chi trả cho phí hủy phòng là quá vội vàng. Điều này cũng khiến các chủ phòng tức giận khi thấy doanh thu của mình “không cánh mà bay”.

Ở Charleston, S.C., ông Travis Lee Odell - một chủ nhà cho thuê lâu năm - có thể kiếm tới 30.000 USD/năm chỉ bằng việc cho thuê studio. Ông đã rất tức giận với chính sách hủy phòng mới của Airbnb bởi công ty không hề hỏi qua ý kiến các chủ sở hữu.

Airbnb dang boc hoi hinh anh 3 im_173997_1_.jpg

Ông Travis Lee Odell kiếm hơn 30.000 USD mỗi năm nhờ vào việc cho thuê studio này. Ảnh: Wall Street Journal

Vào ngày 30/3, Airbnb thông báo sẽ chi 250 triệu USD để hỗ trợ chi phí hoàn tiền cho các chủ căn hộ và thành lập một quỹ 10 triệu USD để giúp họ trả các khoản thế chấp. Công ty cũng đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội cho các chủ hộ hưởng gói kích cầu. Trong một video được phát cùng ngày, ông Chesky đã đưa ra lời xin lỗi với các chủ hộ và bày tỏ mong muốn được lắng nghe họ.

Ông Odell nói rằng Airbnb đáng lẽ nên chi thêm ít nhất 200 triệu USD nữa thay vì chỉ 25% tổng chi phí mà các chủ phòng phải chịu khi bị hủy phòng từ 14/3-31/5.

“Đây giống như dán băng keo cá nhân lên một vết thương lớn vậy”, ông Odell nói.

Vrbo, một đối thủ cạnh tranh với Airbnb trong mảng cho thuê online mà ông Odell đưa ra làm ví dụ, đã không thay đổi chính sách hủy phòng. Tuy nhiên, công ty này lại khiến các khách hàng thất vọng khi không hoàn tiền cho họ.

Các giải pháp cắt giảm chi phí

Vào đầu năm nay, một số thành viên hội đồng quản trị, dẫn đầu là giám đốc Kenneth Chenault, cựu giám đốc điều hành của American Express và Ann Mather, cựu giám đốc điều hành của Disney, cho biết họ đã nỗ lực kêu gọi ông Chesky cắt giảm các chi phí.

Airbnb dang boc hoi hinh anh 4 share_54fc68d26f7d0abd76134ff353889d69.jpg

Tạp chí Airbnb Magazine là một trong những dự án cân nhắc cắt giảm. Ảnh: Jacobin.

Theo nguồn tin nội bộ, trong số những dự định cắt giảm họ thúc đẩy có một dự án mà ông Chesky ủng hộ là Airbnb Experiences - cho phép người dùng đặt tour hoặc các trải nghiệm cực ngắn khác. Dự án này đáng lẽ phải bắt đầu sinh lời vào năm 2019 nhưng lại gây ra khoản lỗ gần một tỷ USD. Các dự án cắt giảm khác được cân nhắc bao gồm tạp chí của công ty Airbnb Magazine.

Những người điều hành và nhà đầu tư của Airbnb tin rằng công ty sẽ ổn định trở lại sau đợt suy thoái. Puerto Rico, địa điểm có lượng đặt phòng tăng lại nhanh chóng sau khi một cơn bão quét qua hòn đảo, được ông Chesky đưa ra để thuyết phục các ngân hàng và nhân viên về khả năng phục hồi của mô hình kinh doanh này.

Công ty cho biết sẽ tập trung hơn vào phân khúc cư trú lâu dài, ví dụ như sinh viên cần thuê trọ hay những người đi công tác dài ngày.

Vào cuối tháng 3, CEO Airbnb tuyên bố công ty sẽ cắt giảm chi phí tiếp thị để tiết kiệm 800 triệu USD. Các nhân viên quản lý cấp cao cũng sẽ bị giảm 50% lương.

Riêng ông Chesky, người hồi năm ngoái được "định giá" hơn 3 tỷ USD, đang tính tới việc không nhận lương trong vòng 6 tháng tới.

Thanh Thùy