Ai có đủ thẩm quyền quyết định tranh thật, giả?

00:00 12/10/2020

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết sẽ tạm giữ toàn bộ 17 bức tranh giả và mạo danh thuộc triển lãm này để phục vụ điều tra. Triển lãm tranh “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10/7 và ngay sau khi mở cửa đã vấp phải nhiều ý kiến phê phán của giới chuyên môn về chất lượng và nguồn gốc tranh.

Chiều 19/7, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông cáo báo chí khẳng định: trong 17 bức tranh của triển lãm thì 15 bức “không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện” và 2 bức còn lại là “mạo danh chữ ký tác giả”. Đồng thời, Bảo tàng này cũng gửi lời xin lỗi đến công chúng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể nói tất cả những bức tranh trên đây là “tranh giả” hay đặt vấn đề “có yếu tố lừa đảo”.

ai co du tham quyen quyet dinh tranh that, gia? hinh 0
Bức sơn mài "Ba cô gái" được trưng bày tại triển lãm "Những bức tranh từ châu Âu trở về" đã được giới chuyên môn kết luận không phải tranh của danh họa Dương Bích Liên.

Có thể thấy, sau khi Hội đồng tư vấn của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh họp vào ngày hôm qua, thì việc kết luận các tác phẩm tranh của triển lãm là “không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện” và “mạo danh chữ ký tác giả” mới chỉ là kết luận trên cơ sở trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực mỹ thuật.

Nhưng nếu chỉ vì vậy mà kết luận cả 17 bức tranh là giả (như một số báo đưa tin) thì chưa đủ cơ sở để xem đó là “tranh giả” hay không còn phải căn cứ vào yếu tố khoa học kỹ thuật. Và để có kết luận về khoa học kỹ thuật thì Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang trưng cầu sự vào cuộc của ngành chức năng. Bản thân bảo tàng không đủ điều kiện, khả năng để thực hiện giám định khoa học kỹ thuật.

Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Năng lực, điều kiện để khẳng định tranh đó là thật hay giả thì rất khó, Bảo tàng không đủ để thực hiện. Các nhà chuyên môn lớn khẳng định ở góc độ nào đó thôi. Chứ bây giờ hỏi đã khẳng định được tranh giả- tranh thật chưa thì là chưa khẳng định được. Vì sao, đây là yếu tố chuyên môn thì đã có nhà chuyên môn đánh giá như vậy, nhưng còn cần một yếu tố khác nữa về khoa học, kỹ thuật.”

Đây là một cuộc triển lãm mà chủ nhân của bộ sưu tập này là nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã “nói quá” lên về chất lượng của những bức tranh và mục đích triển lãm. Ngay từ phát biểu tại buổi khai mạc, ông Chung cho rằng, mục đích tranh về Việt Nam để công chúng lần đầu tiên được thấy tác phẩm của mỹ thuật Đông Dương.

Nhưng thực tế, một số tác phẩm mỹ thuật Đông Dương có trong bộ sưu tập của ông Chung lại có đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều phòng tranh tư nhân. Tiếp đó, đứng trước những bức tranh, người trong nghề dễ dàng nhận ra chất lượng của phần lớn tranh là không ổn, thậm chí rất thấp, nét vẽ non nớt, không thể gắn với các tên tuổi lớn như: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái….

ai co du tham quyen quyet dinh tranh that, gia? hinh 1
Họa sĩ Thành Chương đưa ra bằng chứng hình ảnh những phác thảo gốc tác phẩm của ông đang bị mạo danh là của Tạ Tỵ. Ảnh: Tiểu Vũ.

Họa sỹ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật- Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Như phát biểu của tác giả trong buổi khai mạc thì cuộc triển lãm theo dụng ý của tác giả là dụng ý tốt. Có điều, khi triển lãm thì phát hiện ra chất lượng không đúng như lời nói ban đầu. Điều đó do nhiều lý do, mà có một lý do rất quan trọng là trình độ thẩm mỹ, nhận thức nghệ thuật của người sưu tầm. Anh không có những điều đó thì rất khó. Người trong nghề mới thấy chứ người ngoài nghề thì khó”.

Ở góc độ pháp luật, các bức tranh này là một loại hàng hóa, thật hay giả sẽ liên quan đến nhiều người. Nhưng muốn kết luận là tranh giả thì cũng phải có căn cứ xác thực. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng tôi thấy rằng cần phải giám định một cách nghiêm túc và phải làm một cuộc điều tra cho rõ để có câu trả lời đây là giả hay thật của Hội đồng khoa học nhà nước. Từ câu chuyện này, chúng ta rút kinh nghiệm để thấy rằng, tranh là giá trị nghệ thuật, khi đem ra triển lãm cho công chúng thì phải làm nghiêm túc.”

Đây chỉ là một trong vô vàn vụ việc liên quan đến độ thật- giả, chất lượng, nguồn gốc tranh trong hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nó được tổ chức thành một triển lãm khá quy mô, diễn ra ngay trong Bảo tàng Mỹ thuật và gây ra nhiều tranh cãi. Bước đầu, chỉ mới kết luận là toàn bộ tranh không phải của tác giả đứng tên.

Có hay không việc làm tranh giả và mục đích của việc làm này là gì còn chờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng trước mắt, có thể nói rằng, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã không có sự tôn trọng nhất định đối với công chúng và cả những người trong giới mỹ thuật. Uy tín của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với công chúng cũng ít nhiều bị giảm sút./.

(theo vov.vn)