50 NĂM ASEAN: Doanh nghiệp Việt với những cơ hội và thách thức mới

00:00 12/10/2020

Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những thành tựu đáng tự hào, được thế giới công nhận là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất. Con đường phía trước của ASEAN vẫn còn rất nhiều chông gai, thử thách, song cũng mở ra nhiều cơ hội để tuổi trẻ các nước trong ASEAN có thể nắm lấy cơ hội để phát triển. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập ASEAN 08/08/2017, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Kinh tế ASEAN về doanh nghiệp Việt Nam với 50 năm Asean. Thưa Giáo sư, sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết ngày càng sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm cải thiện năng lực quản trị của mình như thế nào để đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững cùng cộng đồng ASEAN? Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh:Thực ra, vấn đề cải thiện năng lực quản trị của doanh nghiệp được đặt ra từ lâu bởi vì Việt Nam thực hiện hội nhập quốc tế lâu rồi. Song vấn đề này đặc biệt nóng khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, sau đó gia nhập WTO và hiện nay là trước những thách thức do việc thành lập AEC, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nổi bật nhất là TPP mang lại. Gia nhập ASEAN thực sự đã thay đổi rất nhiều hình dáng, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam từ những cơ hội mà ATIGA, AFTA, AIA, và AEC. Nói như vậy để thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cách cải thiện năng lực quản trị của mình từ lâu rồi và cũng đạt được nhiều thành công. Nhiều doanh nghiệp được bình chọn là doanh nghiệp tiêu biểu trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ đã qua đi nhưng năng lực quản trị của rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu. Đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện hoạt động quản trị. Câu hỏi được đặt ra là cải thiện như thế nào? Quản trị tốt liên quan chủ yếu đến yếu tố con người mà đây chính là điểm yếu của Việt Nam. Doanh nghiệp cần vượt qua ít nhất những thách thức sau đây trong việc cải thiện nguồn nhân lực. Thứ nhất, nguồn nhân lực của đất nước hiện tại rất đông về số lượng, rất cao về bằng cấp, học vị nhưng lại rất hạn chế về năng lực, chưa thể đáp ứng các đòi hỏi của một nền quản trị tiên tiến, phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Vì thế, doanh nghiệp cần có cơ chế tuyển dụng hướng tới năng lực nhiều hơn hướng tới bằng cấp. Google vừa rồi đưa ra chính sách là không tuyển những người có bằng cấp cao là vì những người này thường ít chịu lắng nghe người khác. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất thành công nhờ tuyển CEO, chuyên gia dựa vào năng lực. Thứ hai, những yếu tố “lấy lòng” “mua chuộc”, “trao đổi” đang chi phối việc tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực quản trị. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước đưa vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý của mình quá nhiều những CEO, những cán bộ không có năng lực hoặc không có chuyên môn phù hợp. Những doanh nghiệp này làm như vậy chỉ để lấy lòng lãnh đạo cấp trên, để đổi lại những dự án hoặc những giao dịch có giá trị. Cách làm này chỉ có lợi trước mắt nhưng lâu dài thì doanh nghiệp gánh chịu sự hệ lụy nặng nề. Những bài học về tuyển dụng, điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước vừa qua vẫn còn nóng hổi. Doanh nghiệp cần vượt qua thách thức này để có đội ngũ quản trị tốt; Thứ ba, hạn chế lớn trong các doanh nghiệp hiện nay là sự thiếu thiếu dân chủ trong quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp (thường là chủ doanh nghiệp) với đội ngũ quản trị, với người lao động. Tâm lý chủ đạo của lãnh đạo các doanh nghiệp là coi những người quản lý, làm việc trong doanh nghiệp là người làm thuê cho mình nên bảo phải nghe, sai khiến phải làm, không được cự cãi. Cán bộ phản ứng lại lãnh đạo được coi là sự bướng bỉnh, là hành vi không thể chấp nhận. Đúng bản chất thì các CEO, các cán bộ quản lý trong doanh nghiệp là người làm thuê. Song nếu đối xử với họ như vậy thì doanh nghiệp không có nền quản trị tốt. Theo Báo cáo về năng lực lãnh đạo và quản lý Việt Nam năm 2016 của TTG-International thì lắng nghe; khích lệ hiệu quả và tư duy sáng tạo là những kỹ năng yếu nhất của các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp Việt Nam. Trong lúc đó, đây là những kỹ năng cần thiết và quan trọng của một nhà lãnh đạo và quản lý tốt. Rõ ràng, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu lắng nghe, chưa khích lệ hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động và chưa có nhiều tư duy sáng tạo. Ở khía cạnh này thì doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần học tập rất nhiều ở các doanh nghiệp Nhật Bản và các nước phát triển khác. Thực hiện khẩu hiệu “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mong đợi từ Chính phủ những cải cách như thế nào về thể chế để hoạt động đầu tư – kinh doanh thuận lợi hơn trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng những năm sắp tới? Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh:Tuyên bố này rất hay và tôi cũng mong nó không chỉ dừng ở khẩu hiệu. Đây phải là hành động của Chính phủ. Hiểu Chính phủ và nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn là chưa đủ. Cần hiểu Chính phủ ở đây là toàn bộ hệ thống quản lý hành chính, hệ thống cơ quan hành pháp của đất nước. Sẽ chẳng đồng hành được với doanh nghiệp nếu Thủ tướng nói “rải thảm cho doanh nghiệp” nhưng các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương lại làm điều ngược lại là “rải đinh”. Kỳ vọng của doanh nghiệp là những cải cách hành chính, kinh tế thực chất từ phíaChính phủ. Những cải cách nào Chính phủ cần thực hiện để thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp? Theo tôi, Chính phủ cần loại bỏ các rào cản hành chính mà các bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương tạo ra cho doanh nghiệp. Theo báo cáo về điều kiện kinh doanh năm 2017 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các bộ ngành đang quy định 3.407 điều kiện kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực. Số điều kiện kinh doanh trong ngành Công thương hiện nay là nhiều nhất với khoảng 700 điều kiện kinh doanh đã được bộ này ban hành. Một số bộ ngành khác cũng đang duy trì hàng trăm điều kiện kinh doanh, như: ngành Giao thông vận tải có 376 điều kiện, Tài chính 490 điều kiện, Y tế 327 điều kiện, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 270 điều kiện kinh doanh. Với thực trạng này thì khó có thể nói đến môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh thuận lợi là mong muốn rất lớn của doanh nghiệp. Muốn có được môi trường như vậy, Chính phủ phải có những giải pháp cứng rắn để loại bỏ việc các bộ ngành muốn thể hiện quyền hành, muốn cơ chế xin cho càng nhiều càng tốt trong lĩnh vực của mình. Càng thiên về các giải pháp siết chặt thì các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương, địa phương càng xa rời doanh nghiệp. Tiếp đó doanh nghiệp mong muốn Chính phủ loại bỏ những yếu tố cản trở cạnh tranh lành mạnh. Những cản trở này vẫn đang tồn tại trong các lĩnh vực như tín dụng, đầu tư, đấu thầu, đất đai, xuất nhập khẩu, nơi mà những doanh nghiệp Nhà nước thường được ưu ái, tiếp đó là những doanh nghiệp sân sau của một số nhóm lợi ích trong bộ máy Nhà nước. Chỉ khi Chính phủ đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh thì các doanh nghiệp mới thực sự cố gắng vươn lên, không tìm cách và không tìm được cách hình thành những nhóm mafia thao túng nền kinh tế và từ đó thao túng quyền lực nhà nước. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại lợi ích to lớn cho khu vực ASEAN, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực tài chính, tiếp cận chăm sóc y tế với giá cả hợp lý, các hình thức giáo dục mới cũng như tạo ra các công ty mới và các ngành dịch vụ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm thế nào để vượt qua thách thức và tận dụng tốt cơ hội này? Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh:Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ở một số nước công nghiệp phát triển trên 3 lĩnh vực chính, gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Công nghệ sinh học tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano. Với nội dung như vậy của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có thể thấy trước những cơ hội và những thách thức của nó. Cơ hội chính là những lợi ích lớn mà con người được thụ hưởng như dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo, thông vận tải chất lượng cao nhưng giá thành thấp, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng chất lượng hoàn hảo nhờ có sự tham gia của người máy, công nghệ nano và kết nối internet vạn vật rộng khắp. Thách thức chính là sự biến mất của hàng loạt doanh nghiệp không thích ứng kịp với đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp này. Tình trạng lao động thất nghiệp diễn ra và từ đó là các bất ổn xã hội. Với các doanh nghiệp Việt Nam, vượt qua được những thách thức của hội nhập quốc tế vẫn đang còn hết sức chật vật. Doanh nghiệp sẽ còn vất vả gấp bội khi đối mặt những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo tôi, khác với khi hội nhập quốc tế, đối mặt với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua thách thức trước để đến với cơ hội. Nếu nhìn những yếu tố cốt lõi trong 3 lĩnh vực chủ yếu của cuộc cách mạng này thì có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam đang còn thiếu quá nhiều thứ. Sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp Việt Nam chưa được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mức độ sử dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, các nghiên cứu và phát triển chưa được chú trọng, quản trị doanh nghiệp như đề cập ở trên chưa tốt. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp không tính toán để đầu tư thỏa đáng vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến thì chưa kịp tận dụng cơ hội đã bị đào thải bởi những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, để đầu tư vào công nghệ tiên tiến thì các doanh nghiệp Việt Nam mà chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phân tích kỹ lưỡng để có chính sách đầu tư vào công nghệ từng bước với những sự đón đầu cần thiết. Chỉ với công nghệ hiện đại và quản trị tốt thì doanh nghiệp mới có thể đối mặt được thách thức. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn tìm cách mua những dây chuyền sản suất lạc hậu vì rẻ tiền. Hệ quả là “tham bát, bỏ mâm”. Chưa cần đến thách thức từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình hội nhập quốc tế hiện tại cũng đủ để đào thải những doanh nghiệp như vậy. Việc mua sắm công nghệ cũ, không dám đầu tư đổi mới công nghệ cũng chính là hệ quả của quản trị doanh nghiệp yếu, của tình trạng thiếu tư duy sáng tạo. Hy vọng các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ vượt qua được những thách thức và tận dụng được cơ hội để phát triển. Xin cảm ơn Giáo sư !