27 nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” giúp Việt Nam đạt kỷ lục mới về xuất siêu

00:00 12/10/2020

11 tháng đầu năm, Việt Nam đã thặng dư thương mại tới 7,4 tỷ USD. Con số này sẽ hỗ trợ tích cực cho cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam, cũng như đóng góp cho dự trữ ngoại hối.

Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018 đạt 440 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng 51,76 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 223,72 tỷ USD, tăng 14,5%  tương ứng tăng 28,33 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017. Còn tổng giá trị nhập khẩu đạt 216,31 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng tăng 23,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, sau 11 tháng, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, với 7,4 tỷ USD, cao hơn 600 triệu USD so với con số ước tính 6,8 tỷ USD trước đó.

Cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư. Mức thặng dư thương mại trong năm 2016, 2017 lần lượt là 1,78 tỷ USD và 2,11 tỷ USD. 11 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu đạt hơn 7,4 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.

Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Số liệu cụ thể từ Tổng cục Hải quan cũng tho thấy, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, khu vực FDI đóng góp 288,5 tỷ USD, tăng 13,2% (tương ứng tăng 33,76 tỷ USD); còn khu vực trong nước đóng góp 151,53 tỷ USD, tăng 13,5% (tương ứng tăng 18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Hết tháng 11, cả nước có tới 27 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Số lượng nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” không tăng so với cùng kỳ 2017 nhưng hầu hết các nhóm hàng chủ lực có trị giá tăng thêm với mức tăng trưởng 2 con số.

Trong 27 nhóm hàng “tỷ USD” có 5 nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại đạt 46,203 tỷ USD, tăng 11,7%; dệt may đạt 27,697 tỷ USD, tăng 17,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 26,946 tỷ USD, tăng 13,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,128 tỷ USD, tăng 28,6%; giày dép đạt 14,647 tỷ USD, tăng 10,9%.

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của xuất khẩu, các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tới 89% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm tỷ trọng ít tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước cũng đang phục hồi mạnh mẽ.

Về thị trường xuất khẩu, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có rất nhiều bạn hàng nước ta đạt được kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Trong số đó có 4 thị trường có kim ngạch “chục tỷ USD” gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là 4 đối tác thương mại lớn nhất của nước ta xét về tổng kim ngạch thương mại 2 chiều.

Linh Nga