1,1 tấn vải thiều chất lượng cao xuất sang Mỹ

00:00 12/10/2020

Lô vải thiều đầu tiên với khối lượng gần 1,1 tấn đã được thực hiện chiếu xạ để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Toàn bộ số vải thiều xuất khẩu được mua ở các vùng gắn mã số tiêu chuẩn GloabalGap tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Người trồng vải tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang chờ một mùa thu hoạch với những tín hiệu lạc quan ban đầu.

vai-thieu
Báo hiệu sự khởi sắc của thị trường xuất ngoại
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết: Năm nay tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130.000 tấn, trong đó, dự kiến sản lượng vải tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%. Theo ông Phạm Ngọc Tú - Giám đốc Cty Ánh Dương Sao - đơn vị thực hiện chiếu xạ để xuất khẩu lô hàng vải thiều nói trên - sau lô vải đầu tiên, doanh nghiệp sẽ xem xét thu mua thêm khoảng 20 tấn nữa để xuất khẩu, với giá cao hơn giá thị trường từ khoảng 10% tính tại thời điểm mua. Nhìn chung, mùa vải năm nay tuy diện tích giảm so với năm trước, nhưng sản lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, nên khó có khả năng bị “dội biên”. Một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu là do mùa vụ ở Mexico chậm hơn Việt Nam khoảng 2 tuần, vải ở Việt Nam chín sớm sẽ tạo nguồn hàng xuất khẩu vào “thời điểm vàng”. Hơn nữa, vải Lục Ngạn có màu đỏ tươi, vị ngọt, cùi dày, được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Tại thời điểm này, ngoài các thương lái Trung Quốc, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã về tận nhà vườn để đặt mua vải tiêu chuẩn GlobalGap để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật, Australia... Ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang( huyện Lục Ngạn) cho biết, sản lượng vải thiều xuất khẩu được doanh nghiệp liên hệ qua hợp tác xã đặt hàng trực tiếp với nông dân trồng vải ngay từ đầu tháng 6. Đây là tín hiệu vui đối với người trồng vải thôn Kép 1, xã Hồng Giang nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung. Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NNPTNT vừa họp với các bên liên quan và quyết định sẽ không thu phí kiểm dịch thực vật với quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không. Cục cũng yêu cầu các đơn vị bố trí nhân lực, thiết bị để ưu tiên công tác kiểm dịch cho quả vải xuất khẩu nhanh nhất. Để tránh tình trạng vải được mùa mất giá, lãnh đạo các tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã thực hiện xúc tiến thương mại tại Lào Cai, tới đây sẽ thực hiện kết nối tại Lạng Sơn, TPHCM, Hà Nội để vải thiều không bị ách tắc đầu ra, đồng thời đẩy mạnh việc xuất khẩu sang thị trường nhiều nước khác. Không để vải thiều “lụt” tại thị trường nội địa Không riêng gì thị trường xuất khẩu, vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được bán nhiều tại các chợ từ 10 ngày nay và giá đang giảm xuống từng ngày. Nếu như 1 tuần trước vải được bán với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, thì ngày 8.6 đã giảm xuống còn 35.000 đồng/kg và dự kiến vẫn còn tiếp tục giảm. “Còn 10 ngày nữa vải thiều Thanh Hà sẽ vào vụ thu hoạch rộ. Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) quả nhỏ, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt, nên dù là vải loại 2, loại 3 vẫn thu hút sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vải Thanh Hà ở Hải Dương có diện tích ít hơn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nên không lo ngại tình trạng khó tiêu thụ” - bà Tố Oanh - tiểu thương bán hàng trái cây tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết. Tại thị trường TPHCM, hiện vải thiều xuất hiện rất ít, lác đác tại một số cửa hàng bán đặc sản trên đường Nguyễn Đình Chiểu, chợ Phạm Văn Hai... Tiểu thương cho biết giá bán khá cao, từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 120.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng nhiều. Ông Phạm Văn Hoành - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang tỏ ra khá yên tâm khi mùa vải năm nay đạt sản lượng cao và tin tưởng quả vải Bắc Giang có khả năng không phải nhờ đến sự “giải cứu” của cộng đồng. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều quá phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc, nên đầu ra cho quả vải vẫn còn thiếu sự bền vững và vẫn còn nhiều rủi ro. “Những người thu mua để chế biến, xuất khẩu thiệt hại ít, chỉ có người còng lưng chăm bón hồi hộp chờ ngày “hái quả” là “lĩnh đủ” nếu quả vải rớt giá” - một cán bộ nông nghiệp bày tỏ lo ngại. Khánh Vũ /Laodong.com.vn