11 năm làm Bộ trưởng của ông Cao Đức Phát

00:00 12/10/2020

Cả 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng của ông Cao Đức Phát là quãng thời gian vất vả song không thể phủ nhận những thành quả to lớn mà người đứng đầu ngành Nông nghiệp đã đóng góp.

  • Bộ trưởng Cao Đức Phát kêu không có tiền làm Chính phủ điện tử
  • Lời xin lỗi và “cơ hội hiếm có” của Bộ trưởng Cao Đức Phát
  • Bộ trưởng Cao Đức Phát: 'Tôi xin lỗi người dân'
  • Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Năm khó khăn của toàn ngành nông nghiệp”
11 năm làm Bộ trưởng của ông Cao Đức Phát

Ngày 28/7, Quốc hội sẽ bầu và phê chuẩn các thành viên Chính phủ, trong đó, chức danh Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ có sự thay đổi.

Điều này có nghĩa là Bộ trưởng đương nhiệm Cao Đức Phát sẽ thôi nhiệm vụ là người đứng đầu ngành Nông nghiệp sau 12 năm.

Ông Cao Đức Phát sinh năm 1956, được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng vào tháng 7/2004. Từ ngày 3/12/2004 đến nay, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Trong các nhiệm kỳ, ông Cao Đức Phát là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

Gần 12 năm qua, người Bộ trưởng gắn liền với hình ảnh người nông dân là ông Cao Đức Phát. Với dáng người cao to, khuôn mặt phúc hậu, hay cười, bà con nông dân gặp Bộ trưởng đều cảm thấy thiện tình.

Từng làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Cao Đức Phát một thời gian dài, ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện là Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT cho rằng, đây là nhiệm kỳ tương đối vất vả của cá nhân Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, vấn đề nóng bỏng nhất thời gian qua là tình trạng thực phẩm bẩn và thị trường nông sản rối loạn cả trong và thị trường ngoại truyền thống.

Vào nhiệm kỳ 2010 – 2016 cũng là mốc thời gian thực hiện Nghị quyết “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đúng vào chu kỳ khủng hoảng kinh thế thế giới.

Thế nhưng, không thể phủ nhận được vai trò của Bộ Nông nghiệp và cá nhân Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có những đường bước đúng đắn trong công tác chỉ đạo và điều hành.

Năm 2015, xuất khẩu nông sản đã có thêm được những thị trường mới đầy tiềm năng, tình trạng thực phẩm bẩn từ phân phối, buôn bán chất cấm đã được đẩy lùi…. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 31 tỷ USD, đóng góp cho GDP đất nước gần 20% và 10 mặt hàng nông sản lọt vào top xuất khẩu 1 tỷ USD.

Và đặc biệt, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn với gần 2.000 xã nông thôn mới, với chi phí chỉ sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước chỉ hơn 1 tỷ USD - chưa bằng kinh phí làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát từng nói, nước ta có 25 triệu người làm nông nghiệp là quá nhiều. Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất cao, ít nhất 2/3 số lao động nông nghiệp hiện nay cần được chuyển sang nghề khác.

Những người ở lại nông nghiệp cần công nghiệp hóa, được hỗ trợ liên hợp tác sản xuất hàng hóa, hình thành các tổ hợp nông – công nghiệp chế biến hiện đại, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ về nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, làm sao chứng minh được nền nông nghiệp Việt Nam là một môi trường đáng sống khi hiện tại có tới 60% người dân phụ thuộc vào nông nghiệp.

Tháng 4/2004 - 2/2005, ông Cao Đức Phát là Thứ trưởng Thường trực, quyền Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tháng 2/2005, ông Cao Đức Phát là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn , thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007. Trong 2 nhiệm kỳ Chính phủ 2007-2011 và 2011-2016, ông Cao Đức Phát tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1/2016), ông Cao Đức Phát tiếp tục được vào Ban Chấp hành trung ương Đảng. Nhiệm kỳ 2016-2021, ông Cao Đức Phát không có tên trong danh sách phê chuẩn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội.

Dạ Lan

Theo Trí Thức Trẻ